Bệnh nhân L., 64 tuổi, ở Thái Nguyên cho biết, nguyên nhân không phẫu thuật cách đây 1 năm do thấy khối u nhỏ, không gây khó chịu gì. Gần đây, bệnh nhân có triệu chứng khó thở tăng dần nhưng vẫn chần chừ đi khám, đến khi sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, sụt 5 kg thì mới đến viện.

Kết quả chụp cắt lớp vi tính tại bệnh viện Ung Bướu Hà Nội cho thấy, lồng ngực phải có khối đặc kích thước 20x15 cm đè xẹp phổi, thâm nhiễm trung thất, thành ngực. Bệnh nhân được tiến hành sinh thiết khối u, kết quả giải phẫu bệnh là u xơ đơn độc. Bệnh nhân sau đó được chỉ định phẫu thuật điều trị khối u, tuy nhiên tiên lượng phẫu thuật khó khăn do bệnh nhân gầy yếu, kích thước khối u lớn chiếm gần hết khoang lồng ngực, lại có nhiều mạch tân tạo.

TS.BS. Phan Lê Thắng – Trưởng khoa Ngoại Theo yêu cầu, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội cho biết, ekip phẫu thuật đã phải hội chẩn tính toán kỹ trước mổ vì các thao tác phẫu thuật phải thực hiện trong trường mổ vô cùng chật hẹp. Khối u giàu mạch nuôi nên phẫu thuật viên phải phẫu tích tỉ mỉ, tìm và khống chế nguồn nuôi để đảm bảo an toàn cuộc mổ và hạn chế mất máu cho bệnh nhân.

Ca mổ được thực hiện thành công, khối u lấy ra có trọng lượng hơn 2 kg. Bệnh nhân được xuất viện sau 5 ngày điều trị tích cực.

U xơ đơn độc màng phổi là một loại khối u hiếm gặp, phát sinh từ tế bào trung mô của màng phổi. Phần lớn u xơ đơn độc màng phổi là lành tính tuy nhiên khoảng 12-22% trường hợp có thể trở thành ác tính. Triệu chứng u xơ đơn độc màng phổi thường không rõ ràng và chỉ xuất hiện khi khối u lớn, gây ra các triệu chứng chèn ép như khó thở, đau ngực hoặc ho kéo dài.

Phẫu thuật đóng vai trò quyết định trong việc điều trị u xơ đơn độc màng phổi vì đây là phương pháp duy nhất giúp loại bỏ hoàn toàn khối u và giảm nguy cơ tái phát. Trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật triệt để cắt bỏ khối u mang lại tiên lượng tốt và tỷ lệ sống cao cho bệnh nhân.

Theo đánh giá của bác sĩ, trường hợp khối u kích thước lớn này khá hiếm gặp, việc bệnh nhân để lâu không điều trị không chỉ khiến việc phẫu thuật trở nên khó khăn mà còn có nguy cơ bệnh biến chuyển ác tính, ảnh hưởng tính mạng. Vì vậy, khi có chỉ định điều trị, bệnh nhân không nên chần chừ, bỏ lỡ “thời gian vàng” chữa bệnh.