Thành phố Hồ Chí Minh – nơi có số bệnh nhân Covid-19 nhiều nhất cả nước, nhiều đến nỗi phần lớn mọi người đều cảm thấy xung quanh mình đều là F0 và F1. Thế nhưng vẫn có không ít bệnh nhân và những người liên quan đến họ đã và đang chịu sự xa lánh.

Bây giờ mình đi làm cái gì cũng khó khăn, ví dụ đến công an quận, cầm tờ xuất viện, họ nhìn mình một lúc rồi hốt hoảng ngừng một lúc suy nghĩ xem có nên cho mình vào hay không còn người khác chỉ cần đưa ra chứng nhận đã tiêm đủ 2 mắc vaccine là được vào ngay” - anh Nguyễn Việt Dũng – một bệnh nhân Covid-19 ở quận 12 đã được điều trị khỏi và xuất viện hồi cuối tháng 10 chia sẻ.

Hiện nay, sức khỏe của anh Dũng đã ổn định, có thể làm việc như một người bình thường, thế nhưng cuộc sống của anh vẫn đang gặp nhiều khó khăn mà nguyên nhân chủ yếu là do sự kỳ thị. “Nói chung cũng khó lắm, có một vài gia đình hiểu tính chất của bệnh thì không sao, họ thông cảm còn không hiểu thì người ta nhìn thấy mình là kêu lên đấy F0 đấy, F0 đấy thì rất là khó. Tôi xuất viện 1 tháng rồi nhưng hiện vẫn làm việc online vì Covid-19 nên công ty không cho mình đến làm".

Không chỉ là F0 mà có nhiều F1 cũng đang bị kỳ thị. Đó là trường hợp anh Nguyễn Huy Hoàng ở phố Đào Tấn, Hà Nội. Đầu tháng 11 vừa qua, vợ anh không may là F0 còn 4 bố con anh đều trở thành F1. Sau khi hoàn thành cách ly tập trung 14 ngày xong, vừa về nhà, hàng xóm liền “lập hàng rào” ngăn cách với gia đình anh”. “Tôi về nhà cách ly thêm 7 ngày, sau đó ra ngoài, mọi người nhìn thấy mình từ xa đã tránh, không ai nói chuyện hay lại gần, mình biết vậy nên không tiếp xúc với ai. Đến cơ quan, mọi người đang uống nước hay ăn mà mình lại gần thì tìm cớ bỏ đi. Phải mất 2 tuần sau mọi người mới nói chuyện với mình” – anh Hoàng kể lại.

Virus SARS-CoV-2 đáng sợ nhưng đáng sợ hơn nữa là sự thờ ơ, lãnh cảm của cộng đồng, những người xung quanh khiến cho không ít F0, F1 bị tổn thương về tâm lý. BS Trần Mạnh Linh – chuyên gia tâm lý cho biết, thời gian qua, chị đã điều trị cho nhiều trường hợp F0, F1 bị trầm cảm. Họ không muốn nói chuyện với bất cứ ai cả, bị mất ngủ triền miên, suy giảm trí nhớ, giảm chất lượng cuộc sống… Những người trầm cảm khi không có người giao tiếp thì họ càng bị trầm cảm nặng hơn. Mà giai đoạn hiện nay, việc điều trị cho những bệnh nhân này đều online cả nên rất khó có thể can thiệp, vì vậy điều trị chỉ mang tính chất duy trì, tình trạng bệnh cũng kéo dài hơn.

BS Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TP. Hồ Chí Minh thì cho rằng, việc kỳ thị đối với F0, F1 không chỉ khiến cho họ bị tổn thương về tâm lý mà còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng. “Chúng ta nhớ là người F0 khỏi bệnh và F1 đã xét nghiệm âm tính là những người an toàn hơn những người mà mình nghĩ là không bị bệnh mà cuối cùng họ là người F0 không có triệu chứng. Mặt khác, nếu mọi người kỳ thị thì người ta sẽ giấu bệnh, không hợp tác với mình. Họ làm xét nghiệm xong sẽ tự chữa ở nhà. Các F1 cũng giấu luôn, như vậy thì tăng thêm khả năng lây lan bệnh tật” – BS Trương Hữu Khanh khuyến cáo.

Một số người lo ngại rằng F0 đã khỏi bệnh có nguy cơ tái nhiễm trở lại, tuy nhiên theo BS Trương Hữu Khanh việc xét nghiệm dương tính trở lại không có nghĩa là bệnh nhân đó tái nhiễm. “F0 đã khỏi bệnh, xuất viện và hoàn thành xong cách ly, khi xét nghiệm lại dương tính khi đó là xác virus chứ không phải là con virus. Tất cả xét nghiệm mà chúng ta đang thực hiện hiện nay chỉ lấy một đoạn của con virus thôi nên gọi đó là tái dương chứ không phải là tái nhiễm”.

Trong bối cảnh phức tạp của dịch Covid-19, có thể chỉ trong một sáng một chiều ai đó cũng có thể trở thành F0 hay F1, F2... Vì vậy, mỗi người dân nên hiểu đúng về dịch bệnh và cách phòng ngừa để có thái độ ứng xử phù hợp với những người xung quanh. Sự kỳ thị đối với F0, F1 chỉ có thể làm tăng thêm những hành vi tiêu cực mà thôi.