Trong tuần đầu tháng 8 vừa qua, Trung tâm Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai tiếp nhận cùng lúc 2 bệnh nhân cấp cứu đều bị tổn thương phổi nặng.

Bệnh nhân thứ nhất, 76 tuổi bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính kèm theo đó là biến chứng tràn khí màng phổi. Sau đó, bệnh nhân bị suy hô hấp được chỉ định đặt ống nội khí quản và thở máy xâm nhập.

Khi đó, tiên lượng sống của bệnh nhân thấp do lượng CO2 trong máu tăng, các bác sĩ đã quyết định áp dụng Kỹ thuật đào thảo CO2 qua màng lọc ngoài cơ thể. “Với bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), khi bị tăng CO2 trong máu thì phải tăng hỗ trợ máy thở lên để đào thải bớt CO2 trong máu bệnh nhân ra. Nhưng khi càng tăng hỗ trợ máy thở thì lại càng không tốt cho phổi của bệnh nhân, dễ gây tổn thương phổi. Trên thế giới đã sử dụng kỹ thuật đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể nghĩa là cho máu tĩnh mạch của bệnh nhân được rút ra qua một cái bơm gọi là trục lăn, máu tĩnh mạch sẽ đi qua màng bán thấm, từ đó CO2 sẽ được đào thải qua màng đó. Khi biện pháp này được áp dụng sẽ giúp bác sĩ giảm được dễ dàng cài đặt thông số máy thở của bệnh nhân xuống, giúp cho phổi của bệnh nhân được nghỉ ngơi, tăng khả năng hồi phục cho bệnh nhân hơn so với khi thở máy đơn thuần” - BS Bùi Văn Cường – Trung tâm Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai phân tích.

Sau 2 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua được cơn nguy kịch. Bệnh nhân đã được ra viện, hiện nay đã ăn được và đang tập đi. Chứng kiến sự hồi phục nhanh chóng của bố, anh N.V.T – con trai của bệnh nhân chia sẻ: “Bố tôi là 1 trong 2 bệnh nhân được cứu chữa bằng phương pháp mới, đạt hiệu quả tốt thì thực sự gia đình rất xúc động. Hiện sức khỏe bố tôi đã khá tốt rồi, đã có thể ăn được cơm, cháo, ông đang tập ngồi và đi lại”.

Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhân, 40 tuổi, được chẩn đoán viêm phổi nặng, biến chứng suy hô hấp cấp tính. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị nhiều biến chứng của tình trạng nhiễm trùng, nhiễm virus do bị suy thận mạn, đã phải ghép thận. Do tình trạng phổi kém, các bác sĩ đã đặt ống nội khí quản và thở máy nhưng áp lực, CO2 trong máu vẫn tăng cao.

“Chính vì phổi tiếp tục bị tổn thương nên chúng tôi đã triển khai kỹ thuật đào thải CO2 qua màng lọc ngoài cơ thể. Rất may là bệnh nhân đáp ứng rất tốt, bệnh nhân giảm được áp lực thể tích bơm vào phổi, nhờ đó, phổi bệnh nhân được bảo vệ tốt. Bệnh nhân đã rút được ống nội khí quản và thở được” – PGS.TS Đỗ Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai cho biết.

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Sơn – Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai, trung bình ở Trung tâm thường tiếp nhận và điều trị cho khoảng 10-15% bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và 5-10% bệnh nhân bị tổn thương phổi cấp. Đây là 2 nhóm bệnh gây áp lực nhiều nhất đối với các y bác sĩ bởi nguy cơ tử vong cao.

Theo thống kê, tỷ lệ tử vong của những bệnh nhân bị biến chứng phổi khi cấp cứu lên tới 30-40% so với những bệnh nhân không bị biến chứng phổi. Trước đó, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai đã áp dụng nhiều kỹ thuật để cứu bệnh nhân này nhưng Kỹ thuật đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể được coi là đạt được tối ưu hơn cả trong việc hạn chế những tổn thương ở phổi cho bệnh nhân.

“Ví dụ như kỹ thuật được áp dụng thường quy là kỹ thuật ECMO. Nó cũng có khả năng giúp trao đổi ôxy, trao đổi CO2 qua màng, tuy nhiên đó là kỹ thuật can thiệp hết sức mạnh mẽ, liên quan đến đường tiếp cận động mạch, tĩnh mạch lớn và nguy cơ xuất huyết, chảy máu huyết khối của những đường can thiệp đó rất cao. Kỹ thuật loại bỏ CO2 qua màng ngoài cơ thể lại có đặc điểm là sử dụng đường tĩnh mạch và mức độ xâm lấn ít hơn, hạn chế được những biến chứng của kỹ thuật ECMO” - Đỗ Ngọc Sơn phân tích.

Kỹ thuật này đã được triển khai ở các nước châu Âu và Mỹ, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân ở khu vực này. PGS.TS Đỗ Ngọc Sơn cho biết, với thành công đầu tiên này, thời gian tới, Kỹ thuật đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể sẽ tiếp tục được áp dụng cho 2 nhóm bệnh nhân bị tổn thương phổi cấp và bệnh nhân bị ứ chệ CO2 cấp tính trên nền bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

“Hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam sẽ nghiên cứu mở rộng những chỉ định của kỹ thuật thải CO2 qua màng ngoài cơ thể ra các đối tượng bệnh nhân có thể sớm hơn nữa, nhanh hơn nữa. Nếu chúng ta làm được như vậy thì nhiều bệnh nhân sẽ không cần phải vào đơn vị hồi sức tích cực nặng như ở Bạch Mai mà ở các đơn vị hồi sức tích cực ở cấp tỉnh cũng có thể triển khai giúp giảm tải cho các đơn vị hồi sức tuyến trung ương. Nếu chúng ta đào tạo tốt thì hoàn toàn có thể triển khai được như kỹ thuật lọc máu thông thường”.

Khi Kỹ thuật đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể được triển khai rộng rãi sẽ mở ra cơ hội sống cho nhóm bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và bị tổn thương phổi cấp.