GS.TS Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E cho biết, hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA là hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền hiện đại, với các tính năng như độ phân giải hình ảnh HDR cao gấp 4 lần so với máy thông thường, giúp hạn chế thấp nhất sự hấp thu tia cho bác sỹ và bệnh nhân mà vẫn đảm bảo chất lượng hình ảnh chụp mạch. Thêm vào đó hệ thống này cũng được tích hợp đầy đủ các phần mềm hỗ trợ cho bác sĩ phát hiện sớm các tình trạng bất thường của dòng máu, giúp cho việc chẩn đoán và điều trị được chính xác các bệnh lý nghiêm trọng trong lĩnh vực tim mạch, thần kinh, lên kế hoạch giải phẫu và giúp xác định chính xác vị trí tổn thương bên trong cơ thể.

Trong sáng 5/4, có 8 bệnh nhân bị bệnh tim được can thiệp đặt stent thông qua hệ thống chụp mạch thế hệ mới này. Ông Đ.M.H, 75 tuổi ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội – một trong số các bệnh nhân cho biết: “Tôi bị bệnh tim nhiều năm nay. Tuần trước phải cấp cứu trong tình trạng bị đau tức ngực, khó thở được các bác sĩ quyết định can thiệp đặt một khung giá đỡ động mạch vành. Sáng nay, khoảng 9 giờ, tôi được đưa vào phòng can thiệp, chỉ hơn 30 phút là xong, bây giờ sức khỏe tốt, không còn tức ngực, khó thở”.

Theo TS.BS Phan Thảo Nguyên – Trưởng khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E, việc phẫu thuật đặt stent diễn ra thuận lợi, an toàn và nhanh chóng là nhờ sử dụng hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA hay còn gọi là Hệ thống Siemens Artis. “Máy chụp mạch thế hệ mới Siemens Artis A có hệ thống stenline cho hình ảnh sắc nét, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác mức độ hẹp như thế nào và việc đặt stent đã chuẩn xác hay chưa để kịp thời khắc phục ngay sau đó và giúp các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật thuận lợi hơn”.

Nhân dịp khai trương hệ thống máy mới, BV thành lập đơn vị đột quỵ - can thiệp tim, mạch máu cấp cứu và đặt máy mới trong đơn vị này nhằm rút ngắn thời gian điều trị và không bỏ lỡ thời gian vàng can thiệp đột quỵ và tim mạch cho bệnh nhân BV. “Trước đây, bệnh nhân bị bệnh tim hay đột quỵ cấp cứu vào bệnh viện E phải mất khoảng 1h đồng hồ từ khoa cấp cứu sang khoa chẩn đoán hình ảnh rồi điều trị nhưng nay tất cả các khâu này đều tập trung ở đơn vị đột quỵ, can thiệp tim, mạch máu cấp cứu nên bệnh nhân chỉ mất 15 – 30 phút từ lúc cấp cứu vào bệnh viện sẽ rút ngắn rất nhiều thời gian vàng cấp cứu bệnh nhân”- GS.TS Lê Ngọc Thành cho biết.

Theo TS.BS Phan Thảo Nguyên, mỗi năm, Bệnh viện E tiếp nhận và điều trị từ 2.000-3.000 ca cấp cứu đột quỵ, tim mạch. Trước đây, khi chưa có Hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA và đơn vị đột quỵ - can thiệp tim mạch máu cấp cứu, nhiều khi bệnh nhân phải chờ, xếp hàng làm theo thứ tự, song hiện nay bệnh nhân không phải chờ đợi, thời gian can thiệp được tiến hành sớm hơn.