Bé Lê Quang Minh – 7 tuổi nhà tại quận Thanh Xuân, Hà Nội có sở thích đặc biệt với các thiết bị công nghệ. Mỗi khi cầm chiếc điện thoại bé dường như không còn bận tâm đến thế giới xung quanh.
Theo bé Minh, câu chuyện các bạn chia sẻ với nhau ngoài giờ học phần lớn chứa rất nhiều nội dung các con đã xem trên các thiết bị điện tử. “Ở lớp có mấy bạn bảo là thích xem thành quen, suốt ngày Skibidi toilet rồi MyGrab, youtube có trò chơi điện tử nhưng con chỉ xem người ta chơi chứ con không chơi, có nhiều thứ linh tinh kiểu đánh nhau… nhưng con thích xem”- bé Minh chia sẻ.
Kể các câu chuyện trên mạng thì hào hứng vậy nhưng khi người lớn yêu cầu tạm rời xa chiếc điện thoại thì ngay lập tức bé Minh thể hiện thái độ cáu gắt, chán nản.
Còn như suy nghĩ của bà mẹ 2 con Lê Thị Hương, 37 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, cuộc sống hiện đại thật khó để các bé tránh xa các thiết bị công nghệ. Cậu con trai Nguyễn Minh Quân- bước sang tuổi thứ 6 cũng đã có vài năm được bố mẹ cho sử dụng TV, điện thoại, máy tính các loại.
Dù biết việc cho con lạm dụng các thiết bị công nghệ từ nhỏ là không tốt nhưng nhiều khi chị Hương vẫn tặc lưỡi bỏ qua vì quá bận rộn, không có đủ thời gian để chơi cùng con.
![Nhiều cha mẹ coi thiết bị điện tử, công nghệ là "bảo mẫu"](/sites/default/files/styles/large/public/2025-02/do-tre-an-bang-dien-thoai.jpg)
Hiện nay các thiết bị công nghệ dường như đang “bủa vây” cuộc sống của trẻ nhỏ, không ít bé đã được cha mẹ, người thân cho tiếp xúc với các thiết bị này từ sớm.
Chuyên gia giáo dục sớm Ths Lưu Minh Hường- GĐ Trung tâm nghiên cứu phát triển giáo dục sớm, cho rằng, việc làm này có thể gây tác động không tốt cho quá trình phát triển của các bé. Lứa tuổi mầm non là giai đoạn bộ não của các con đang rất nhạy cảm và mềm dẻo, nó sẵn sàng thay đổi cấu trúc theo những kích thích và tương tác từ môi trường.
“Trong độ tuổi đầu đời này, các bé cần nhất là những trải nghiệm của cuộc sống, phải có tiếp xúc đa dạng bằng nhiều giác quan khác nhau với những thứ ở bên ngoài cuộc sống. Trẻ nhỏ cần phát triển về vận động, phát triển về ngôn ngữ, tình cảm xã hội, thẩm mỹ, đặc biệt là khả năng để trở thành những con người bình thường trong xã hội. Mọi máy móc không thể thay thế được. Vì thế, nếu các em bé được đặt trước màn hình TV, máy tính, điện thoại quá nhiều nó sẽ làm thay đổi cấu trúc não bộ của em bé theo hướng gần giống như những cái máy nhiều hơn là một con người bình thường. Nghiên cứu chỉ ra rằng, các em bé ngồi trước màn hình TV 30 phút thì năng lực về ngôn ngữ và năng lực giải quyết vấn đề của trẻ giảm hẳn so với những bạn không xem TV và các thiết bị điện tử” – Ths Lưu Minh Hường phân tích.
Có một thực tế là các bé thường có tâm lý chán nản nếu các bé không được được cầm, được chơi và dùng thiết bị công nghệ, có một bộ phận các em bé đang bị mất hứng thú với mọi thứ xung quanh, trừ điện thoại, máy tính hoặc tivi, tại sao lại như vậy?
Điều này liên quan đến một cơ chế hoạt động của não bộ đó là cơ chế hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh Dopamin. Đây là chất dẫn truyền thần kinh chủ đạo trong biến động lực thành hành động. Nó cũng là thành phần quan trọng trong cơ chế phản ứng với sự tưởng thưởng, có cảm hứng với những thứ mới mẻ, đẹp đẽ.
![Ths Lưu Minh Hường trả lời phỏng vấn PV VOV2](/sites/default/files/styles/large/public/2025-02/9560cd45e2025c5c0513.jpg)
Theo giáo sư David Greenfield, người sáng lập ra Trung tâm nghiên cứu về việc nghiện Internet và công nghệ Trường ĐH Y khoa Connecticut, các trò chơi điện tử làm trung tâm tưởng thưởng của não bộ sinh ra rất nhiều Dopamin, thậm chí dư thừa. Tuy nhiên, đây chỉ là tình trạng tạm thời. Khi lượng Dopamin được sản xuất ra dư thừa như vậy, não bộ nhận được một thông điệp là cần giảm tiết ra các chất dẫn truyền thần kinh quan trọng này. Kết quả là, khi chơi game nhiều, trẻ sẽ dần dần bị giảm sút nghiêm trọng lượng Dopamin.
“Lượng dopamine được sản xuất khi chơi game quá mạnh mẽ. Nó giữ người chơi chơi liên tục chơi game để duy trì cảm giác dễ chịu này và do đó nó có tính chất gây nghiện. Khi dừng không chơi game nữa, các chất dẫn truyền thần kinh này bị giảm sút và người chơi bị mất đi hứng thú với những thứ xung quanh ít kích thích hơn. Và nếu bắt trẻ đang chơi game quá nhiều dừng chơi lại, chúng sẽ thường có những biểu hiện vấn đề hành vi, thậm chí hung hăng hoặc thu mình lại”- Ths Lưu Minh Hường lý giải.
Nghiên cứu trước đây cho thấy chỉ cần 10–20 phút chơi game bạo lực đã làm tăng hoạt động ở các vùng não liên quan đến phản ứng kích thích, lo lắng và cảm xúc, đồng thời làm giảm hoạt động ở thùy trán liên quan đến điều hòa cảm xúc và kiểm soát hành động.
Theo chuyên gia giáo dục sớm Lưu Minh Hường, cha mẹ có thể loại bỏ những cảm xúc tiêu cực này cho bé và giúp bé tìm lại hứng thú với mọi thứ xung quanh bằng cách cha mẹ không lạm dụng tivi, máy tính, điện thoại là công cụ trông trẻ. Cha mẹ nên thay thế những thiết bị đó bằng những hoạt động với các đồ vật, đồ chơi để trẻ phải thao tác bằng tay, phải động não, suy nghĩ.
“ Cha mẹ nên hạn chế mua các loại đồ chơi ít chức năng hoặc đơn giản chỉ bấm nút. Hãy cho con những đồ chơi mở, đơn giản nhưng chơi được theo nhiều cách khác nhau. Điều này không những tạo cho trẻ sự hào hứng khi tự mình tạo ra được những sản phẩm mới khác nhau, cũng như tăng cường sự sáng tạo cho trẻ. Những đồ chơi mở như: lego, bộ xếp hình, bột nặn, màu vẽ cành củi, các mảnh gỗ, các đồ phế liệu có thể tái chế, hột hạt các loại (chơi có sự giám sát của người lớn) ….” – Chuyên gia Lưu Minh Hường chia sẻ.
Khi xung quanh trẻ không tràn ngập đồ chơi và tiện nghi, khi trẻ không bị kích thích quá nhiều và khi cuộc sống chậm hơn một chút, thì não bộ của trẻ sẽ tự tìm kiếm những niềm vui nho nhỏ từ những thứ đơn giản và trẻ sẽ phát triển sự hứng thú, đam mê với nhiều thứ xung quanh trong cuộc sống hơn.
Và quan trọng là hãy cho trẻ cơ hội để được vận động, chơi đùa thoải mái trong môi trường thiên nhiên.
![Cần cho trẻ học tập trên các thiết bị điện tử, công nghệ đúng cách để mang lại hiệu quả](/sites/default/files/styles/large/public/2025-02/tre-hoc-tap-bang-thiet-bi-dien-tu.jpeg)
Tuy nhiên, theo Ths Lưu Minh Hường, việc trẻ được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ cũng đã hỗ trợ ngược trở lại việc học tập và cuộc sống của các con, có những trẻ khi lớn hơn đã thể hiện được khả năng tốt hơn về công nghệ. Điều này chỉ có được khi có hứng thú và đam mê về công nghệ và có cơ hội để trải nghiệm với nó. Vậy, làm thế nào để trẻ không sa vào nghiện ngập mà thực sự học tập nghiêm túc.
“Để làm được điều này, các cha mẹ phải có sự kiểm soát trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ. Tốt nhất đối với các học sinh tiểu học chỉ nên sử dụng các thiết bị có chức năng nghe gọi và nhắn tin. 13 tuổi có thể có các tài khoản trên mạng xã hội, có cơ hội tiếp xúc với mạng xã hội. Các cha mẹ cũng nên kiểm soát về thời lượng. Tiếp đó, các ba mẹ cũng phải kiểm soát về mặt nội dung bởi vì khi trẻ vào Internet thì trẻ dễ bị cuốn hút và không dừng lại được. Vì vậy, người lớn sẽ phải có những mốc thời gian cụ thể đối với trẻ trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ để học tập”- Ths Minh Hường tư vấn.
Chuyên gia nhấn mạnh, có lúc trẻ sẽ phải sử dụng Internet để học tập, do đó, cha mẹ nên kiểm soát để trẻ không bị xao nhãng vào những nội dung khác. Ngoài ra, còn có những chương trình bảo vệ an toàn cho trẻ trong không gian mạng rất hữu ích, vì thế, các cha mẹ cũng cần cho con đọc và tham khảo những cuốn sách để tránh bị bắt nạt hay quấy rối ở trên mạng Internet.