Nhan nhản lang băm đội lốt "lương y"
Anh Nguyễn Hoàng Long ở huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh bị bệnh trĩ độ 3. Khám ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bác sĩ chỉ định anh cần phải phẫu thuật. Tâm lý lo sợ phải đụng dao kéo, anh đã đến khám ở một thầy lang gần nhà. Tiền đặt cọc ban đầu là 18 triệu đồng nhưng vì mù quáng anh Long đã đóng phí và làm theo hướng dẫn của “thầy lang”. “Nguồn gốc không biết như thế nào nhưng khi mình đến người ta cho xem video vào rừng chế ra thuốc, bảo đó là thuốc gia truyền. Thuốc họ để trong một cái lọ, ngâm vào nước vôi 5-10 phút sau đó pha vào nước cất rồi bơm vào xi lanh tiêm”. Hiệu quả chưa thấy đâu mà sau chỉ 3 mũi tiêm, anh Long đã bị hoại tử toàn bộ phần hậu môn, phải cấp cứu vào Bệnh viện.
Một trường hợp khác ngay ở Hà Nội là ông Nguyễn Văn Thành và vợ cũng đều bị trĩ, bị chảy máu và sút cân trong thời gian dài. Thay vì đi khám tây y, ông lại đến nhà một “thầy lang” theo sự mách bảo của một người họ hàng. “Thằng cháu em gái cũng đi đắp ở đấy. Họ lấy của tôi 12 triệu đồng, vợ là 5 triệu đồng, đắp ở đấy 1 tuần thì cho về. Không hiểu đắp thuốc gì mà bôi xong, chỉ sau một tiếng là thủng cả quần. Thuốc không tan được mà nổi cục, ăn dần vào trực tràng, gây hoại tử bên trong” - Ông Thành cho biết.
Ngoài bệnh nhân trĩ, những người mắc bệnh xương khớp cũng thường xuyên đến khám ở những “ông lang” mà họ xem là “thần y” có thể chữa được bách bệnh chỉ qua vài động tác nắn bóp. Cháu N.T.Đ ở huyện Đông Anh, Hà Nội là một trong số đó. “Cháu đi đá bóng về bị nhức chân, gia đình cho ra chỗ thầy ở Long Biên, thầy bảo bị chật khớp, thầy nắn rồi dán cao, dán vào 2 hôm thì thấy tím ngắt như chết trâu, bị hoại tử cấp cứu vào Bệnh viện Việt Đức. May mà còn chữa kịp” – Bà P.T.Đ, bà nội của Đạo kể lại lúc trong tâm trạng vẫn còn hoảng sợ.
Không chỉ dừng ở đó, còn rất nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đã bị các “ông lang, bà mế” giả mạo ăn chặn tiền bằng rất nhiều hình thức. Mới đây nhất là vụ việc ông Võ Hoàng Yên. Đã có hơn 18 nghìn người mắc bệnh bại liệt, 8 nghìn người bị câm điếc bẩm sinh và hơn 14 nghìn người mắc các bệnh liên quan đến xương khớp đã tìm đến ông - một lương y không có chứng chỉ hành nghề để điều trị với niềm tin ông là “thần y” chữa được bách bệnh. Nhưng sự thật thì sao? Không có bệnh nhân nào khỏi bệnh từ phương pháp điều trị “có một không hai” của “thần y” này. Cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra và xác nhận các phương pháp chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên là phản khoa học và lừa dối người dân. Lúc này, các hành vi lừa đảo của “thần y” mới dần được vạch trần. Nhưng thử hỏi, nếu không có đơn tố cáo của vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng (tức “Dũng lò vôi”) thì biết đến bao giờ bộ mặt thật của “thần y” mới được lộ diện?
Những vụ việc trên chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Trên các trang mạng xã hội có đầy rẫy những lời quảng cáo có cánh về các “thần y” như vậy.
Chuyên gia nói gì?
PGS.TS Dương Trọng Nghĩa – Trưởng khoa Châm cứu dưỡng sinh, Bệnh viện Y học cổ truyền cho rằng, đó là các chiêu trò lừa đảo của những kẻ lừa đảo, giả mạo “lương y” để lấy tiền của bệnh nhân. Thông thường những "lương y" tự xưng này sẽ bỏ tiền để quảng cáo trên các trang mạng, ăn cắp một chút bí quyết của lương y khác rồi về biến tấu thành của mình và quảng cáo là phương pháp y học cổ truyền.
“Có trường hợp họ điều trị bằng cách treo bệnh nhân lên, rồi lấy roi đánh bệnh nhân, dẫm đạp vào bệnh nhân rồi truyền đó là phương pháp điều trị gia truyền của họ nhưng thực ra không có phương pháp gia truyền nào như thế cả”. PGS.TS Dương Trọng Nghĩa thông tin.
Bệnh viện Y học cổ truyền TW đã từng tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị trĩ bị chảy máu, thít hẹp hậu môn, hoại tử sau khi điều trị ở những địa chỉ trên. Cũng có người uống phải thuốc mà những "lương y lang băm" này đã trộn thuốc tây y vào gây ra biến chứng phù, giữ nước, loãng xương, biến chứng dạ dày. Thực chất y học cổ truyền không có phương pháp nào gây ra tác dụng phụ như vậy cả.
PGS.TS Nguyễn Đức Chính, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương, Bệnh viện Việt Đức cũng cho biết, mỗi năm khoa tiếp nhận hàng chục, thậm chí cả trăm bệnh nhân bị hoại tử tay, chân do đắp thuốc đông y không rõ nguồn gốc. Có những người chủ quan, cấp cứu muộn khiến cho ổ nhiễm trùng lan rộng, xâm nhập vào tim, phổi, não gây nhiễm trùng huyết, suy đa tạng và dẫn đến tử vong.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Bản chất thuốc đông y rất tốt, giúp cải thiện sức khoẻ, nâng cao thể trạng. Thế nhưng, việc những “ông lang, bà mế” giả mạo, lợi dụng lòng tin, không hiểu biết của người dân về luật pháp, nguyên lý khoa học của các phương pháp chữa bệnh thì không thể chấp nhận được và cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng.
Cuối năm ngoái, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đã có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố siết chặt quản lý việc kinh doanh y dược cổ truyền và quảng cáo sai sự thật về khám, chữa bệnh y học cổ truyền trên nền tảng Youtube, facebook tại các địa phương. Thế nhưng, những vụ việc vẫn liên tiếp xảy ra.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Bộ Y tế cho rằng, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý ở địa phương. “Hằng năm, Cục quản lý y dược cổ truyền đều có các đoàn kiểm tra tại các tỉnh thành phố. Cá nhân, tổ chức nào vi phạm đều sẽ bị xử lý”. Việc có đoàn đi thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền ở địa phương là có thật, thế nhưng vì sao vẫn có những lang băm đội lốt "lương y" lộng hành? Câu trả lời xin dành cho các cơ quan chức năng.
Nghe nội dung bài viết ngay dưới đây: