Nếu như trong năm 2005, tỷ lệ sinh mổ ở mức 12% thì theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, tỷ lệ này hiện là 37%. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỉ lệ sinh mổ thông thường dao động từ 10-15% để tránh tai biến nguy hiểm cho mẹ và thai nhi.

Tỷ lệ mổ lấy thai tăng cao do nhiều yếu tố: sản phụ có nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế và được phát hiện sớm các trường hợp cần can thiệp sinh mổ. Tuổi kết hôn ở phụ nữ tăng, nhu cầu sinh con giảm, mỗi gia đình chỉ có từ 1-2 con nên sản phụ và gia đình muốn sinh con theo ngày giờ, tâm lý ngại sinh con theo ngả tự nhiên.

BS Tạ Việt Cường, Phó Giám đốc Trung tâm khám và điều trị, chăm sóc sức khỏe sinh sản- Bệnh viện phụ sản Hà Nội cơ sở 2 cho biết, thai phụ chỉ nên sinh mổ khi có chỉ định như: ngôi thai bất thường, thai quá to, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, nhau bong non, sa dây rốn, thai suy; do mẹ có khung chậu hẹp, có vết mổ cũ trên thân tử cung... Đây là các trường hợp bắt buộc phải thực hiện để đưa em bé ra ngoài an toàn

Với những trường hợp có vết mổ đẻ cũ, cần kiểm tra và theo dõi sát ở những lần mang thai sau, để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai.

Những nguy cơ khi mang thai từ vết mổ đẻ cũ

Thai bám vết mổ cũ

Đối với những thai phụ đã từng sinh mổ hoặc phẫu thuật vùng tử cung sẽ có vết sẹo, khi làm tổ, trứng đã được thụ tinh có thể bám vào sẹo cũ và hình thành túi thai. Khi thai nằm trên vết mổ đẻ cũ thì các hệ thống mạch máu của bánh rau bám sâu vào khu vực này, dẫn đến tình trạng rau cài răng lược, rau tiền đạo. Những trường hợp này nguy cơ chảy máu trong lúc mổ đẻ rất cao - BS Tạ Việt Cường thông tin

Khuyết sẹo mổ đẻ cũ

Đây là hiện tượng có một lớp dịch đọng lại trên vết nứt ở vùng eo thành trước tử cung vị trí sẹo mổ lấy thai cũ, gây ra tình trạng rong huyết, dịch chảy vào buồng tử cung, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trường hợp khó có thai trở lại.

“Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, khâu vết mổ tử cung 2 lớp thì hạn chế vết mổ tụ dịch. Nhưng nghiên cứu này cũng chưa nhận được sự đồng thuận hoàn toàn. Trong khi đó một số nghiên cứu khác chỉ ra rằng khâu 1 lớp thì không bị tụ dịch” – BS Cường nói.

Thời điểm an toàn để mang thai trở lại sau sinh mổ là bao lâu?

Thông thường, sau mổ lấy thai lần đầu từ 18 tháng trở đi, thai phụ mới được khuyên có thai trở lại. Tuy nhiên, một số trường hợp sau sinh mổ chưa đủ 18 tháng đã có thai trở lại do không áp dụng các biện pháp tránh thai.

Một trường hợp BS Cường đã trực tiếp theo dõi thai kỳ: khi con đầu lòng được 7 tháng thì mẹ đã có thai 3 tháng. Trường hợp này rất may mắn là thai nằm đúng vị trí,vì thế vẫn cố giữ được thai cho sản phụ đến 38 tuần và mổ chủ động chứ không đợi chuyển dạ. Với những vết mổ còn non như thế thì nguy cơ vỡ tử cung rất cao

Những điều cần lưu ý khi mang thai có vết mổ cũ là gì?

- Ngay sau khi trễ kinh hoặc nghi ngờ có thai trở lại cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra xem có thai hay không, thai đã vào tử cung hay chưa và vị trí của túi thai trong tử cung để đề phòng trường hợp thai bám vết mổ cũ.

- Khám và quản lý thai định kỳ theo lịch hẹn tại cơ sở y tế chuyên về sản phụ khoa, đặc biệt là nơi có điều kiện phẫu thuật để phát hiện và xử trí kịp thời những bất thường xảy ra, nếu có.

- Chú ý các dấu hiệu đau vết mổ cũ: đau ngang trên xương mu, đau liên tục, ấn vào đau nhói lên. Khi có các dấu hiệu này là có nguy cơ nứt vết mổ cũ, cần phải đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất.

- Nhập viện trước ngày dự sinh 1 – 2 tuần để được thực hiện đầy đủ các xét nghiệm và theo dõi sát quá trình chuyển dạ.

Vấn đề kế hoạch hoá gia đình

Tham vấn bác sĩ để chọn lựa một phương pháp ngừa thai an toàn và hiệu quả. Khi đã mổ lấy thai 2 lần, có đủ con, lớn tuổi thì nên cân nhắc các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Không nên để tử cung mang vết mổ phải thử thách nhiều lần vì tính mạng của thai phụ.

Mang thai là điều vui mừng cho các cặp vợ chồng nhưng cũng có nhiều lo lắng đi kèm, đặc biệt là với những thai phụ đã có vết mổ cũ. Vì vậy, tất cả các thai kỳ có vết mổ cũ ở tử cung cần được đánh giá cẩn thận, kiểm tra và theo dõi sát tại bệnh viện có chuyên khoa sản, giúp phát hiện kịp thời và xử trí sớm để ngăn ngừa các biến chứng.