Lập gia đình và sinh con là trách nhiệm của mọi người đối với bản thân, gia đình và xã hội. Thế nhưng, nhiều người trẻ ngày nay đang hình thành xu hướng ngại kết hôn hoặc kết hôn muộn và lười sinh con. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như chi phí nuôi dạy con tốn kém, áp lực trong công việc, kiếm tiền, đồng thời tính dân chủ, tự do cá nhân ngày nay được đề cao… Xu hướng này đang tác động nghiêm trọng đến mức sinh tại nước ta.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2023, tổng tỷ suất sinh của nước ta là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo, sau năm 2054, dân số Việt Nam sẽ bắt đầu tăng trưởng âm.

Theo bà Đặng Quỳnh Thư, Cục Dân số, Bộ Y tế, mức sinh thấp đặt ra những thách thức mới trong công tác dân số ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

“Mức sinh thấp kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy: Thứ nhất, nước ta sẽ thiếu hụt lực lượng lao động. Theo Dự báo Dân số Việt Nam giai đoạn 2019-2069 của Tổng cục Thống kê, vào năm 2039, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng, sau đó tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) giảm dần và năm 2042 quy mô dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh với 72,8 triệu.

Thứ hai, mức sinh giảm sẽ đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, làm mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội dẫn đến nguy cơ mất khả năng chi trả bảo hiểm xã hội.

Thứ ba, khi mức sinh thấp kéo dài không đủ sản sinh ra những đoàn hệ thay thế cha mẹ trong một thời gian dài đã tác động trực tiếp đến tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên và làm cho quy mô dân số suy giảm” – Bà Đặng Quỳnh Thư cho biết.

Bà Đặng Quỳnh Thư cho biết, để giải quyết vấn đề mức sinh thấp, ngày 28/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 588/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Theo đó, đẩy mạnh truyền thông, vận động thay đổi hành vi, rà soát; từng bước ban hành, thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ hai con áp dụng cho các gia đình, cộng đồng; thí điểm, mở rộng thực hiện các chính sách hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh con, nuôi dạy con; thí điểm, nhân rộng các dịch vụ thân thiện với người lao động như đưa, đón trẻ, trông trẻ, ngân hàng sữa mẹ, bác sỹ gia đình... Chú trọng quy hoạch, xây dựng các điểm trông, giữ trẻ, nhà mẫu giáo phù hợp với điều kiện của bà mẹ, nhất là các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị…

Như vậy, để giải quyết bài toán mức sinh thấp cần thiết phải thực hiện những giải pháp tổng thể, bởi theo các chuyên gia, nếu mức sinh về dưới 1,3 con thì hầu như không có khả năng hồi phục về mức sinh thay thế.

Hiện trên thế giới có khoảng 55 quốc gia đang có mức sinh thấp và họ đang phải gánh chịu hậu quả của vấn đề này như là phải nhập khẩu lao động, tỷ lệ người già cao tạo áp lực lớn lên chính sách an sinh. Vì vậy, những cách làm của họ sẽ là bài học kinh nghiệm để nước ta quan tâm xây dựng chính sách điều chỉnh mức sinh hợp lý.

Với độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 30 tuổi, hiện mức sinh ở TP. Hồ Chí Minh thấp nhất cả nước. Năm 2023 là 1,32 con/phụ nữ, năm 2024 là 1,40 con/phụ nữ. Mới đây, Sở Y tế thành phố làm tờ trình Ủy ban nhân dân thành phố về chính sách khen thưởng, hỗ trợ tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số. Theo đó, Thành phố sẽ thưởng 3 triệu đồng cho người sinh đủ hai con trước 35 tuổi, hỗ trợ tầm soát trước và sơ sinh đối với mẹ và em bé thuộc diện nghèo, cận nghèo. Đây sẽ là bước đột phá của Thành phố trong việc giải quyết vấn đề giảm mức sinh hiện nay, tuy nhiên theo ông Phạm Chánh Trung - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM, để thực hiện có hiệu quả cần có thời gian dài để đánh giá và cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng như giáo dục, lao động, y tế…

Mời nghe bài viết tại đây: