Theo Bộ trưởng, hiện nay, Bộ Y tế đang tích cực đàm phán để sớm có vắc xin từ các nguồn khác nhau: Thứ nhất là vắc xin của COVAX Facility khoảng 30 triệu liều; thứ hai là nguồn vắc xin của AstraZeneca (Bộ Y tế đã mua của AstraZeneca 30 triệu liều (117.600 liều đầu tiên đã về đến Việt Nam sáng nay). Thứ ba là vắc xin của Pfizer khoảng 30 triệu liều. Thứ tư là nguồn vắc xin Sputnik V của Nga. Dự kiến trong tuần này Bộ Y tế sẽ họp hội đồng cấp phép cho vắc xin của Nga. Nhà sản xuất thông báo có thể cung ứng cho Việt Nam khoảng 60 triệu liều. Ngoài ra, Bộ Y tế, các tập đoàn, công ty khác không kinh doanh trong lĩnh vực y tế cũng đang thúc đẩy đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin khác.

Như vậy, trong năm 2021 chúng tôi đảm bảo không thiếu vắc xin. Bộ Y tế đang hết sức nỗ lực để triển khai tiêm. Đây là đợt tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay với trên 100 triệu liều. Bộ Y tế đang chuẩn bị khẩn trương các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong ngành y tế và ngoài ngành tham gia vào quá trình tiêm, để đẩy nhanh tiến độ tiêm, đảm bảo độ bao phủ trên toàn quốc”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Đối với vắc xin trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, các công đoạn vẫn đang theo đúng tiến độ. Dự kiến đến năm 2022, nước ta sẽ sản xuất được vắc xin, trong đó vắc xin của Nanogen sẽ thử nghiệm giai đoạn 2 trong tuần này và vắc xin của IVAC có hiệu quả rất tốt.

Về lộ trình cung ứng vắc xin: Quý 1, dự kiến có 1,3 triệu liều; Quý 2, dự kiến có 9,5 triệu liều và Quý 3 có 25,9 triệu liều; Quý 4 có 51,1 triệu liều. Như vậy tổng số là 90 triệu liều.