Video Player is loading.
Current Time 0:00
/
Duration 0:00
Loaded: 0%
0:00
Progress: 0%
Stream Type LIVE
Remaining Time -0:00
 
1x

Già hóa dân số và gánh nặng bệnh tật ở người cao tuổi

84 tuổi và đây là lần thứ 4 ông Bùi Duy Bằng ở Đống Đa, Hà Nội đã phải nhập viện để thay sten động mạch vành. Ông Bằng có tiền sử tăng huyết áp hơn 30 năm, càng lớn tuổi, tình trạng xơ vừa thành mạch càng tiến triển, gây chít hẹp lòng động mạch, nguy hiểm đến tính mạng.

Không chỉ có thế, ông còn mắc nhiều bệnh lý khác như tiền liệt tuyến, đau cột sống thắt lưng… ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. Ông Bằng chia sẻ, cứ mong tuổi già thanh nhàn với con cháu nhưng đa số thời gian lại dành để đi viện.

Cũng thường xuyên nhập viện điều trị là trường hợp của ông Phạm Văn Khánh 67 tuổi ở huyện Thường Tín, Hà Nội. Ông Khánh có tiền sử mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã 10 năm nay, mỗi khi thời tiết thay đổi là ông lại lên cơn khó thở, suy kiệt và phải nhập viện cấp cứu.

Thực tế cho thấy, người cao tuổi ở nước ta đang đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép: vừa là hậu quả tích lũy của các bệnh lý mãn tính không lây như tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, sa sút trí tuệ… vừa có nguy cơ cao gặp phải các tình trạng suy giảm chức năng, biến chứng điều trị, lệ thuộc thuốc và giảm chất lượng sống. Trong khi đó, hệ thống cơ sở điều trị chuyên về lão khoa ở nước ta vẫn còn hạn chế.

"Hiện cả nước chỉ có duy nhất Bệnh viện Lão khoa TƯ đáp ứng đầy đủ nhu cầu chăm sóc cho bệnh nhân cao tuổi, ngoài ra chỉ có hơn 30 bệnh viện có khoa lão trên cả nước, số còn lại hầu như không có chuyên ngành lão khoa. Bên cạnh đó, các chính sách về lão khoa từ hướng dẫn kỹ thuật, đến quy trình chuyên môn còn rất yếu…" - theo TS.BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế.

Việt Nam là quốc gia “chưa giàu nhưng đã già”, chính vì vậy cần có những giải pháp phù hợp với tốc độ già hóa dân số hiện nay, để người cao tuổi được chăm sóc, điều trị và nâng cao chất lượng sống một cách toàn diện.

Tiếp cận đa chuyên ngành trong quản lý bệnh nhân cao tuổi

Theo TS.BS Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị, hiện số người cao tuổi ở nước ta chiếm khoảng 12% dân số, con số này dự kiến sẽ tăng lên 25% vào năm 2050. Trong khi đó, người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh mạn tính cùng lúc, điển hình như bệnh tim mạch, đái tháo đường, thoái hóa thần kinh, loãng xương và ung thư.

"Một thực tế đáng chú ý là mặc dù tuổi thọ trung bình ngày càng tăng, nhưng số năm sống khỏe mạnh không tỷ lệ thuận với điều đó. Nhiều người cao tuổi phải sống với bệnh tật, giảm sút chất lượng sống, gây áp lực lớn lên gia đình và hệ thống y tế. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi không chỉ đơn thuần là điều trị bệnh mà còn phải bao gồm các yếu tố như dự phòng, phục hồi chức năng, chăm sóc tinh thần và hỗ trợ xã hội" - TS Nguyễn Thế Anh phân tích.

Chính vì vậy, việc tiếp cận đa chuyên ngành trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân cao tuổi là xu hướng tất yếu, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và cá thể hóa cho người cao tuổi.

Cụ thể, tại Bệnh viện Hữu Nghị, để công tác chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân cao tuổi đạt hiệu quả cao, luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa như tim mạch, ung bướu, thần kinh, tâm thần, rối loạn chuyển hóa…

"Một bệnh nhân cao tuổi luôn mắc nhiều bệnh lý cùng một lúc và việc điều trị, dùng thuốc cho bệnh lý này cũng sẽ tác động trực tiếp tới các bệnh lý còn lại, chính vì vậy các bác sỹ của các chuyên khoa cần phải bàn bạc kỹ lưỡng để đưa ra phương án điều trị tối ưu nhất cho người bệnh. Nếu chỉ tập trung điều trị 1 bệnh là tăng huyết áp chẳng hạn mà bỏ qua các bệnh rối loạn chuyển hóa khác thì như vậy có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho chính bệnh nhân đó..." - BS Nguyễn Thế Anh cho biết.

Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cũng cần quan tâm tới chế độ dinh dưỡng, phục hồi chức năng và chăm sóc tâm lý cho người bệnh cao tuổi. Bởi khả năng tự chăm sóc, phục hồi và đáp ứng với thuốc điều trị của người cao tuổi cũng kém hơn rất nhiều so với người trẻ.

Trong những năm qua, Bộ Y tế đã và đang xây dựng nhiều chính sách, chiến lược nhằm thích ứng với già hóa dân số, trong đó có Chiến lược quốc gia về người cao tuổi đến năm 2025, Chương trình Hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030, các chương trình chăm sóc dài hạn và phục hồi chức năng, định hướng phát triển y học gia đình, y học cộng đồng và hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, cũng như tăng cường đào tạo nguồn nhân lực y tế có năng lực chăm sóc người cao tuổi.

Tuy nhiên, để đạt được kết quả bền vững, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển mô hình chăm sóc tích hợp, ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, và đặc biệt là sự phối hợp liên ngành, không chỉ trong y tế mà cả trong các lĩnh vực bảo trợ xã hội, chính sách an sinh, đào tạo, và cộng đồng.