Là người thích nấu ăn và chăm sóc chồng con, chị Lê Phương Hà sống tại quận Đống Đa, Hà Nội rất chịu khó đầu tư các thiết bị nhà bếp, đồ gia dụng hiện đại để việc nấu nướng được tiện lợi. Không có nhiều thời gian nên chị Hà chỉ đi chợ một lần để mua thực phẩm cho cả tuần. Điều chị tâm đắc nhất chính là khâu bảo quản thực phẩm bấy lâu nay chị thực hiện. “Mua máy hút chân không về, cho thực phẩm vào túi, hút chân không, thực phẩm bảo quản được lâu, rất tươi ngon, cá nhân tôi dùng thấy tiện lợi, nhanh gọn” – chị Hà nói.

Việc mua máy hút chân không thì lại càng dễ, chỉ cần lên mạng internet là người dân có thể tìm được rất nhiều thông tin và thực hiện các giao dịch mua máy một cách đơn giản. Không chỉ dễ tìm, dễ mua, máy hút chân không cũng rất dễ sử dụng và theo người dân, thực phẩm còn được bảo quản tốt hơn khi bao gói được hút hết không khí. Chính những ưu điểm này đã khiến nhiều người quyết định sở hữu máy hút chân không trong nhà.

Dù có nghe nói đến các nguy cơ ngộ độc thực phẩm nặng nếu chẳng may nhiễm vi khuẩn có chứa độc tố, thế nhưng nhiều người vẫn tin rằng điều đó sẽ không xảy ra với mình. Chính những suy nghĩ này đã khiến không ít người tiếp tục sử dụng máy hút chân không và coi đây là cách bảo quản thực phẩm hữu ích.

Ngộ độc thực phẩm từ việc chế biến và bảo quản sai cách trong gia đình vẫn là nguy cơ tiềm ẩn. Điều này đã được các chuyên gia đánh giá là rất nguy hiểm đối với tính mạng con người. Một trong số đó là nỗi lo ngộ độc Botulinum – độc tố có thể gây chết người nếu không được cấp cứu kịp thời và được sử dụng thuốc giải độc quý hiếm.

“Chúng ta cũng cần chú ý đến những yếu tố nguy hiểm có thể gây ngộ độc bất chợt, ngẫu nhiên, ví dụ như ngộ độc Botulinum” -bà Phạm Khánh Phong Lan- Giám đốc Sở ATTP TP.HCM cho biết.

Theo khảo sát điều tra của Cục ATTP- Bộ Y tế cũng như Sở Y tế các địa phương, hầu hết các vụ ngộ độc Botulinum là do người dân tự chế biến để sử dụng trong hộ gia đình để tổ chức các bữa tiệc và mang tới ăn trong các sự kiện của làng xã.

“Bây giờ rất nhiều người làm thực phẩm để tiêu dùng, và có thể bị ngộ độc botulinum, ngộ độc kiểu này rất nguy hiểm, các gia đình cũng đều tự làm như muối chua ít cá, làm pate … nếu làm không đảm bảo vệ sinh, nhiễm vi khuẩn đó vào thêm nữa các thiết bị hiện nay rất tốt, hộp nhựa kín như bưng hoặc dùng các máy hút chân không mini, dùng những thiết bị này trong gia đình rất nguy hiểm”- TS Nguyễn Hùng Long- Phó Cục trưởng Cục ATTP- Bộ Y tế nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, việc chế biến thực phẩm tại các hộ gia đình hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc đun chín thực phẩm ở nhiệt độ hơn 100 độ C, vì thế nếu bảo quản thực phẩm quá kín trong môi trường kị khí thì đây là một sai lầm chết người.

“Biện pháp đóng hộp, hút chân không, biện pháp lên men đều là những biện pháp dùng để bảo quản thực phẩm, tuy nhiên, nếu chúng ta không thực hiện đúng cách hoặc sử dụng những thực phẩm không đảm bảo an toàn thì mặc dù đóng hộp hoặc hút chân không thì cũng không thể bảo quản thực phẩm an toàn. Ví dụ như với đồ hộp, sau khi cho đồ thực phẩm vào hộp thì chúng ta phải tiệt trùng ở nhiệt độ và áp suất cao, tất nhiên hộ gia đình và hộ kinh doanh nhỏ lẻ không thể có được để mà thực hiện. Và quan trọng nữa đó là trước khi cho vào bảo quản mà thực phẩm của chúng ta đã nhiễm độc tố Botulinum thì chúng ta vô tình tạo cho vi khuẩn có môi trường hoạt động thuận lợi nhất để tạo ra độc tố gây ngộ độc”- TS Trần Việt Nga- Phó Cục trưởng Cục ATTP- Bộ Y tế lý giải

Vì thế, để đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, bà Việt Nga khuyến cáo người dân phải luôn nhớ đảm bảo ATTP ở tất cả các công đoạn từ khâu chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến, bảo quản tại hộ gia đình và sử dụng thực phẩm…

Đôi khi người dân vẫn luôn cho rằng, thực phẩm “nhà làm” là an toàn nhất, thế nhưng, chỉ cần chủ quan và sơ sẩy một chút cũng đủ khiến những bữa ăn “chan đầy nước mắt”. Vì vậy, dù đã cẩn thận rồi, các gia đình cũng cần tìm hiểu, trang bị thêm thông tin và thay đổi thói quen không tốt để mỗi bữa ăn của gia đình thực sự an toàn và chất lượng.