Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ vô sinh hiếm muộn chung ở các nước đang ở mức 17% dân số. Ngoài những nguyên nhân do bệnh lý, một trong những yếu tố chính khiến tỷ lệ vô sinh hiếm muốn tăng cao là do xu hướng kết hôn muộn hoặc không muốn kết hôn và sinh con của giới trẻ hiện nay. Điều này vô hình chung đã làm thay đổi đặc trưng của các cặp đôi khi điều trị vô sinh hiếm muộn so với trước đây. PGS.TS Hồ Sỹ Hùng – PGĐ TT Hỗ trợ sinh sản Quốc gia, Bệnh viện Phụ sản TƯ cho biết “trước đây thường là các cặp vợ chồng trẻ đến do các vấn đề viêm nhiễm, tắc vòi trứng…Nhưng hiện nay các cặp vợ chồng lớn tuổi hơn, dự trữ buồng trứng của họ kém hơn rất nhiều so với trước đây và đó cũng là thách thức đạt ra cho các bác sỹ hỗ trợ sinh sản vì nó khó khăn hơn rất nhiều”.

Theo PGS.TS Hồ Sỹ Hùng, thách thức đặt ra cho các y, bác sỹ trong ngành hỗ trợ sinh sản hiện nay không chỉ là điều trị để người phụ nữ mang thai được mà mục đích cuối cùng phải là sinh ra các em bé khỏe mạnh. Chính vì vậy, đã có rất nhiều kỹ thuật tiên tiến được áp dụng thay thế những phương pháp cũ để giúp người phụ nữ có một thai kỳ an toàn và thân thiện.

Đơn cử, trước kia để kích thích buồng trứng, người phụ nữ sẽ phải tiêm thuốc kích trứng từ 3-4 tuần và hậu quả song hành chính là tình trạng quá kích buồng trứng. Điều này có thể biến chứng vào tim, phổi hay thậm chí gây tử vong. Tuy nhiên hiện nay quá trình này diễn ra rất nhẹ nhàng người phụ nữ có thể chỉ cần tiêm thuốc từ 9-10 ngày là đã có thể tiến hành chọc trứng. Và biến chứng quá kích gần như không xảy ra đối với chị em.

Một bước tiến quan trọng trong quá trình điều trị vô sinh hiếm muộn hiện nay đó chính là phương pháp sàng lọc phôi. Đây là kỹ thuật phân tích di truyền trước khi chuyển phôi. Thông qua kiểm tra này bác sĩ có thể giúp các cặp vợ chồng lựa chọn những phôi chất lượng tốt về di truyền trước khi phôi được chuyển vào buồng tử cung của người mẹ. Phương pháp này thường áp dụng với những cặp vợ chồng lớn tuổi, người có tiền sử sảy thai, thất bại chuyển phôi nhiều lần.

Khi sàng lọc phôi thì chúng ta sẽ biết được ngay phôi đó có mang gen bệnh hay không để từ đó chúng ta lựa chọn ra những phôi khỏe mạnh đặt vào tử cung người mẹ và như vậy xác xuất sinh ra những em bé khỏe mạnh sẽ cao hơn. Chứ không phải như trước đây chúng ta chỉ phát hiện ra các dị tật thai nhi thông qua việc siêu âm hay các xét nghiệm nhưng lúc này thai lớn việc bỏ thai rất khó khăn với các cặp vô sinh…”, PGS.TS Hồ Sỹ Hùng cho biết.

Niềm vui đón em bé khỏe mạnh về nhà sau gần 10 năm kiên trì điều trị vô sinh hiếm muộn của vợ chồng anh Lê Văn Tiến, ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa sẽ là minh chứng cụ thể cho những tiến bộ vượt bậc của ngành hỗ trợ sinh sản: “Vợ chồng mình lấy nhau được hơn 9 năm rồi, trước đây do tinh trùng của mình yếu dẫn đến muộn con. Hai vợ chồng đã trải qua 7 lần chuyển phôi mà không thành công. Đến lần cuối cùng mình mới nói với bác sỹ cho vợ mình tiêm huyết tương giàu tiểu cầu vào buồng tử cung để tăng khả năng thụ thai và rất may là đã có kết quả. Cảm giác bế em bé về nhà thực sự lúc đó rất khó nói, nhìn con mà nước mắt cứ chảy ra vì trải qua thời gian quá đâu rồi. Vô cùng hành phúc. Cháu trai nặng 3kg3 sinh đủ tháng…”.

Việt Nam được đánh giá là đất nước có chất lượng thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm với tỉ lệ thành công khá cao và chi phí thuộc hàng thấp nhất thế giới. Hiện nước ta đã triển khai được rất nhiều kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đạt hiệu quả cao như: bơm tinh trùng vào buồng tử cung; thụ tinh trong ống nghiệm; tiêm tinh trùng vào bào tương noãn; phương pháp trưởng thành noãn trong ống nghiệm; thụ tinh ống nghiệm xin noãn; thụ tinh ống nghiệm xin tinh trùng, xin phôi; hỗ trợ phôi thoát màng; phẫu thuật lấy tinh trùng; trữ lạnh phôi, tinh trùng và noãn...