Hiện nay, trên thị trường bán nhiều loại dấm hoa quả như dấm chuối, táo, lê…. Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Viện công nghệ thực phẩm, dấm hoa quả được làm từ hoa quả lên men tự nhiên, không cần phải thêm hương vị, màu sắc, sử dụng an toàn hơn so với dấm gạo. Axit axetic trong dấm hoa quả là một hợp chất tuyệt vời có khả năng cải thiện quá trình trao đổi chất, tốt cho tiêu hóa. Ngoài ra, những khoáng chất như vitamin, axit amin, muối khoáng… có trong dấm hoa quả rất tốt cho sức khỏe.

“Sau khi ăn no, nếu uống 1-2 thìa dấm hoa quả pha với mật ong sẽ tốt cho tiêu hóa, tăng cường sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh thấp khớp… Mỗi ngày, có thể uống 1-3 lần dấm hoa quả. Còn nếu muốn da sáng đẹp, trước khi ngủ có thể xoa dấm hoa quả lên mặt khoảng 15 phút rồi rửa sạch, làm thường xuyên sẽ mang lại hiệu quả rất tốt” – bà Nguyễn Thị Cúc cho biết.

Bà Nguyễn Thị Cúc khuyên mọi người nên dùng táo mèo để làm dấm vì nó có tác dụng tốt hơn các loại dấm làm từ các loại quả khác bởi táo mèo có vị chua thanh phù hợp, dấm không bị mốc trong quá trình lên men.

Muốn dấm hoa quả ngon và để được lâu, phải chọn quả tươi. Một số người hay dùng quả đã chín nẫu để làm dấm. Cách làm này sẽ làm dấm nhanh hỏng và không tốt cho sức khỏe bởi khi hoa quả đã hỏng trong đó có thể tồn tại vi khuẩn không tốt.

Để quá trình làm dấm thành công, lưu ý rửa sạch mọi vật dụng làm dấm, nhất là hũ đựng dấm phải được được đậy nắp kín vì nếu bị hở, không khí vào sẽ khiến cho dấm dễ bị mốc và hỏng. Nên lấy nước dấm trong phía dưới để ăn và để lại phần màng trắng phía trên. Sau khi dùng hết nước dấm lần một, có thể tiếp tục pha thêm nước lọc và đường vào hũ, sau một tuần lại có dấm hoa quả để dùng.