Trong quá trình mang song thai 2 con gái, chị Nguyễn Thị Nga ở quận Long Biên, Hà Nội cố gắng giữ gìn, ăn uống tẩm bổ để bồi dưỡng, nâng cao sức khỏe… Thế nhưng, không ngờ chị bị hội chứng truyền máu song thai, tức là hai bé cùng trứng, chung bánh nhau nhưng khác túi ối. Một thai sẽ truyền máu cho thai kia khiến tình trạng suy dinh dưỡng xảy ra.
Đến tuần thứ 30, chị sinh non: Một bé nặng hơn 1,5kg, một bé vỏn vẹn có 500gr, tưởng rằng bé sẽ không qua khỏi vì quá non tháng. Thế nhưng như một sự kỳ diệu, sau hơn 2 tháng nằm viện, được chăm sóc trong lồng kính, 2 bé đã khỏe mạnh xuất viện trong niềm vui vỡ òa của bố mẹ.
“Hai con đã được ra viện hơn 3 tháng rồi, bé lớn lên từng ngày. Định kỳ đến bác sĩ khám lại, nói sức khỏe 2 bé tốt mà mừng quá. Tôi luôn kể về hai con gái như 2 con gái mạnh mẽ nhất mà tôi biết biết, thật sự kỳ diệu” – chị Nguyễn Thị Nga chia sẻ sau khi được bác sĩ báo tin sức khỏe các con đã ổn định, phát triển tốt.
Một số nguy cơ, biến chứng thai phụ có thể gặp khi mang song thai
Theo BS Nguyễn Thị Mai, phụ trách phòng khám sản khoa khám bệnh, Bệnh viện Tim Hà Nội, ngoài vấn đề như hội chứng truyền máu song thai, thai nhi có thể gặp các biến chứng như dính vào nhau một phần cơ thể, chung bánh nhau, chung mạch máu…
Nguy cơ của phụ nữ mang thai đôi nhiều hơn so với người mang thai một, đầu tiên là phải kể đến nguy cơ của người mẹ. Người mẹ dễ bị tăng huyết áp, đái tháo đường, bị phù, protein niệu, tiền sản giật, thiếu máu và suy dinh dưỡng…
“Khi hai em bé trong bụng bắt đầu phát triển nhanh, từ 3 tháng rưỡi đến 3 tháng cuối, nhiều nước ối thì rất có thể có nguy cơ sảy thai và đẻ non, nhất là những thai phụ đã có tiền sử sảy thai và đẻ non hoặc có cổ tử cung ngắn. Thai phụ có vết mổ cũ khi mang hai thai hoặc nhiều thai thì phải đặc biệt lưu ý theo dõi vì vết mổ sẽ bị rạn nhanh chóng” – BS Nguyễn Thị Mai lưu ý.
Theo dõi, phòng ngừa các biến chứng ở phụ nữ mang thai đôi
Chính vì mang thai đôi có nguy cơ gặp những biến chứng nên người mẹ chú ý theo dõi sức khỏe của mẹ và bé hơn ở mỗi một thời kỳ:
Ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, các mẹ xem em bé có phát triển tốt hay không, hình thái em bé như thế nào, có nghén nhiều không, cổ tử cung ngắn hay không để có biện pháp dự phòng.
Giai đoạn 3 tháng giữa là giai đoạn thai phát triển tương đối nhanh. Khi đó khả năng người mẹ bị tiền sản giật, đái tháo đường cũng tăng lên nên người mẹ phải kiểm soát tốt các chỉ số để theo dõi cơ thể của mình.
Giai đoạn 3 tháng cuối rất dễ bị sảy thai, đẻ non nên các thai phụ càng phải giữ gìn, đi khám bác sĩ khi cần thiết và tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ về thuốc men cũng như về chế độ nghỉ ngơi và làm việc.
Thường mang thai đôi bao giờ cũng sinh sớm hơn là chỉ mang một thai. Biết được như thế thì thai phụ nên chú ý nến đến bệnh viện sớm khi có các dấu hiệu như đau bụng dưới, cổ tử cung ra dịch, nước ối.
Ở giai đoạn cuối thai kỳ, các bác sĩ khuyến cáo thai phụ nên nghỉ ngơi nhiều hơn, không đi lại nhiều ngay cả khi có thể vận động được để giữ thai.
“Phụ nữ mang song thai, lúc thai còn nhỏ thì tử cung chèn vào tĩnh mạch nhỏ ở phía dưới đằng bụng của người mẹ ít hơn. Khi thai to lên, khả năng chèn ép rất cao, có khả năng chèn ép vào tĩnh mạch lúc này máu không thể vào tim được nên thai phụ khó nằm ngửa và nếu nằm ngửa cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, trong quá trình thăm khám, nếu nằm lên siêu âm mà thấy khó thở thì thai phụ nên báo ngay với bác sĩ và tự chủ động nằm nghiêng. Đây là điều các thai phụ mang song thai phải biết điều này để tránh những nguy hiểm không cần thiết” – BS Nguyễn Thị Mai khuyến cáo.
Chế độ dinh dưỡng đối với thai phụ mang thai đôi
BS Nguyễn Thị Mai cho rằng, chế độ ăn của bà mẹ mang song thai về cơ bản cũng giống như chế độ ăn của một bà mẹ mang thai đơn. Trong 3 tháng đầu khi thai còn nhỏ, các thai phụ chỉ cần chế độ ăn cân đối giữa lượng đạm, lượng đường và vitamin. Tuy nhiên, về lượng sắt và canxi thì cần nhu cầu gấp đôi. Các thai phụ không nên ăn quá nhiều chất bột đường vì có thể có nguy cơ bị đái tháo đường.
Ở giai đoạn đầu thai kỳ, các thai phụ mang thai đôi sẽ bị ốm nghén nhiều hơn người mang thai đơn. Khi bị ốm nghén, các mẹ nên ăn đồ hơi mát, uống nước hoa quả, nước đường, ưu tiên thực phẩm hấp thu dễ như cháo, chè, thức ăn ninh nhừ.
Những thai phụ nghén nặng quá cần đến sự can thiệp như bổ sung oresol, truyền dịch, nặng nhất có thể dùng đến thuốc chống nôn…