Những cốc nước ngọt chứa đầy đá lạnh luôn được chúng ta quan niệm là món đồ uống thích hợp khi nắng nóng thế nhưng theo bác sĩ Dương Thị Phượng, Khoa Dinh dưỡng và Tiết chế - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, điều này không hoàn toàn chính xác. “Những loại nước này chỉ mang lại cảm giác giải khát tạm thời, bởi vì chỉ sau 5-10 phút, chúng ta lại gặp lại cơn khát ngay lập tức. Những loại đồ uống này thường được cho thêm đường, chủ yếu là loại đường hấp thu nhanh, gây ra tình trạng tăng đường máu. Lúc này cơ thể có nhu cầu cần bổ sung thêm nước để cân bằng lượng đường trong máu, điều này gây ra cảm giác khát nước”- BS Phượng giải thích.
Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo nên tránh các loại đồ uống lạnh vì nó có thể tăng nguy cơ viêm họng, làm co mạch máu, giảm máu đi nuôi niêm mạc, ảnh hưởng tiêu hóa, kích thích đường ruột, làm cho nhu động ruột có thể tăng nhanh, dẫn đến co thắt ruột mà gây ra đau bụng, tiêu chảy. Uống nước lạnh cũng ảnh hưởng đến dạ dày, khiến hệ miễn dịch suy yếu.
Trong ngày hè nóng nực, việc bổ sung nước trái cây để giải nhiệt theo các chuyên gia cũng rất hợp lý. Tuy nhiên, cần chú ý đến lượng đường của mỗi loại trái cây đảm bảo không ảnh hưởng đến sức khỏe. “Nước trái cây có bổ sung vitamin ngoài lượng đường như vitamin C, A Caroten. Cũng có những loại trái cây có lượng đường cao cần tránh ví dụ dưa hấu có chỉ số đường huyết rất cao, uống loại nước sinh tố này sẽ gây nhanh khát. Cam, bưởi thuộc loại trái cây có lượng đường huyết trung bình. Còn nước sinh tố thanh long trắng, hay nước ổi sẽ không gây tăng đường nhiều sau khi uống”- BS Phượng tư vấn.
Theo BS Phượng, việc bổ sung nước ép rau củ vào nước trái cây cũng là một giải pháp giúp giảm lượng đường và tăng cường các loại vitamin có lợi.
Còn theo PGS-TS- BS Nguyễn Xuân Ninh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam, người dân không nên uống nhiều các loại đồ uống chứa cồn ví dụ như bia, rượu cùng đá lạnh để giải khát. “Khi uống 1-2 vại bia, khoảng 15-20 phút đầu người uống sẽ có cảm giác sảng khoái, giảm khát, nhưng mải vui có thể sẽ uống tới 3-5 vại hoặc nhiều hơn. Việc lạm dụng đồ uống có cồn sẽ gây áp lực lên thận, đi tiểu nhiều, ngoài ra còn gặp vấn đề về đường tiêu hóa, cao huyết áp”.
Các loại trà lá cũng có thể chế biến thành nước uống giải nhiệt, theo như chia sẻ của PGS - TS - BS Trịnh Bảo Ngọc - Viện Y học dự phòng và Y tế công cộng - Đại học Y Hà Nội. Tuy nhiên, người dùng nên ưu tiên lựa chọn các loại trà bạc hà, trà sâm để giải nhiệt thay vì chỉ dùng mỗi trà xanh. Và tất nhiên, việc uống đủ nước luôn cần thiết. “Mỗi người nên uống từ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày tùy trọng lượng cơ thể. Thêm vào đó, nếu lao động ở ngoài trời dưới thời tiết nắng nóng, lượng nước nạp vào cơ thể cần nhiều hơn. Nước ở đây gồm nước lọc và nước canh và các loại nước khác”- PGS Trịnh Bảo Ngọc khuyến cáo.
Các chuyên gia khuyến cáo, mùa hè nên uống nước rải đều trong ngày kể cả khi không khát, uống thành từng ngụm nhỏ. Đặc biệt, khi đi ngoài đường nắng nóng không nên uống quá nhiều nước một lúc.
Nước dừa được coi là một loại nước giải khát được ưa thích trong ngày hè. Tuy nhiên, có một điều đáng lưu tâm, đó là không nên uống nước dừa ngay khi vừa đi ngoài trời nóng về bởi có thể gây mất điện giải. Với những bệnh nhân suy tim hoặc suy thận cần uống nước theo chỉ dẫn của các bác sĩ.