Tiền thân là đơn nguyên thận nhân tạo điều trị bệnh nhân Covid -19, với sự quyết tâm của lãnh đạo bệnh viện và sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thận Hà Nội, tháng 3 vừa qua, Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh chính thức được thành lập.
Bà Trần Thị Phận ở xã Văn Khê, huyện Mê Linh cho biết, trước đây, cứ 3 lần một tuần, bà phải lên Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên để chạy thận nhân tạo. Mỗi tháng, riêng tiền tắc xi để đi lại cũng tốn mất 3 triệu đồng. Từ khi được lọc máu ngay tại bệnh viện huyện, bà không còn lo lắng về chi phí đi lại nữa. Với hệ thống máy lọc máu mới, lại được các y bác sĩ tận tình quan tâm chăm sóc nên bà Phận càng thấy yên tâm, thoải mái khi được chạy thận gần nhà.
Gần 10 năm qua, sự sống của anh Nguyễn Văn T. – 28 tuổi ở huyện Mê Linh, Hà Nội cũng phụ thuộc vào việc chạy thận nhân tạo. Tuần ba buổi, anh chạy xe máy lên Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên để lọc máu. Quãng đường chỉ hơn chục cây số nhưng đối với người sức khỏe yếu như anh thì đó cũng là điều khó khăn. Hiện nay việc đi lại đối với anh T. đã trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Chỉ mất chưa đầy 10 phút, anh đã đến được bệnh viện huyện để lọc máu, không còn phải lo cảnh mưa gió, rét mướt đường xa như trước. Anh T. cũng cho biết, máy móc, phòng ốc tại bệnh viện huyện Mê Linh rất mới mẻ, thoáng mát nên tạo cảm giác dễ chịu cho bệnh nhân khi đến đây lọc máu.
Theo BS Nguyễn Văn Hạnh – Trưởng khoa Thận Nhân tạo Bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh, trước đây khi chưa triển khai được kỹ thuật lọc máu chu kỳ, mỗi năm bệnh viện phải chuyển tuyến cho khoảng 130 bệnh nhân bị suy thận lên tuyến trên để điều trị. Tuy nhiên, hiện nay, với 10 máy chạy thận nhân tạo, bệnh viện đang quản lý và điều trị 50 bệnh nhân. Mặc dù chưa thu dung được hết số bệnh nhân cần chạy thận trên địa bàn huyện song đây cũng là một bước tiến đáng kể trong việc đưa các dịch vụ y tế về gần dân để người dân có thể dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng.
"Bây giờ chúng tôi đã thành lập khoa Thận nhân tạo thì bà con trên địa bàn về đây chạy thận và lọc máu và đánh giá rất cao về trình độ chuyên môn. Bệnh viện cũng đã kết nối với các nhà hảo tâm hỗ trợ bữa ăn sáng hoặc ăn trưa cho bệnh nhân thận nhân tạo để động viên tinh thần, khích lệ người bệnh. Chúng tôi cũng đã được đào tạo rất bài bản, anh em học hỏi không ngừng và hiện tại đã nắm vững, làm chủ các kỹ thuật như chạy thận nhân tạo thường quy, đặt catheter lọc máu cấp cứu cũng như có thể xử trí được các tai biến, biến chứng có thể xảy ra trong quá trình lọc máu. Tuy nhiên, từ khi triển khai chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân đến nay, chúng tôi luôn đảm bảo an toàn, không để xảy ra biến chứng" - BS Nguyễn Văn Hạnh cho biết.
Không chỉ điều trị cho các bệnh nhân bị suy thận mạn, việc thành lập Khoa Thận nhân tạo còn giúp những trường hợp bị suy thận cấp do các bệnh lý như viêm phổi, tim mạch… được điều trị ngay tại bệnh viện huyện mà không phải chuyển tuyến. BS Nguyễn Văn Hạnh cũng cho biết, thời gian qua, các bác sĩ của bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn về chuyên môn từ các chuyên gia đầu ngành về lọc máu ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thận Hà Nội nhằm đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hạnh cho biết thêm, hiện nay, do số máy chạy thận và số lượng bệnh nhân còn ít nên bệnh viện vẫn phải bù lỗ. Tuy nhiên, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh và các y bác sĩ vẫn quyết tâm duy trì kỹ thuật này. Thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục đầu tư, tiến tới thành lập Trung tâm Lọc máu, tăng số lượng máy chạy thận lên khoảng 30 máy. Đồng thời bệnh viện sẽ triển khai một số kỹ thuật đảm bảo việc điều trị như kỹ thuật lọc màng bụng; lọc máu hấp phụ; quản lý bệnh nhân sau ghép thận… giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, cải thiện chất lượng cuộc sống và kết quả điều trị cho bệnh nhân trên địa bàn.