Cũng như mọi nhà, những ngày đầu năm mới, Trung tâm sơ sinh, BV Nhi TW được trang hoàng với các loại hoa rực rỡ sắc xuân. Nhưng khác biệt ở chỗ, lúc này đây, mọi nhà đang vui xuân, thụ hưởng không khí ấm áp bên người thân thì nơi đây, không khí làm việc vẫn rất khẩn trương.
BS Trần Thanh Hằng cho biết, chị làm việc ở Trung tâm sơ sinh gần 10 năm, trong đó phần lớn các năm đều đi làm vào ngày Tết. Vì là nhân viên y tế nên những ngày Tết, công việc không khác so với ngày thường là mấy, các anh chị vẫn điều trị bệnh nhân như bình thường, chỉ khác là ngày Tết không khí cũng vui hơn, tâm lý mọi người đi trực cũng rạo rực hơn.
“Ngày Tết, Ban Lãnh đạo Bệnh viện đến các khoa phòng chúc tết, vì phải làm việc sẽ không có ai uống rượu đâu nhưng đều cụng ly để chúc nhau những điều may mắn trong năm mới. Vui lắm mặc dù chỉ được vài phút rồi chúng tôi lại quay lại với bệnh nhân ngay. Mọi người cũng quen với việc đi làm vào ngày Tết rồi” – BS Trần Thanh Hằng chia sẻ.
Cũng như ngày thường, ngày Tết, Trung tâm sơ sinh vẫn điều trị cho 150 trẻ sinh non. Trong đó, có nhiều trẻ sinh non mới chỉ 25, 26 tuần tuổi, nặng chưa đến 1kg. Theo BS Trần Thanh Hằng, trẻ sinh càng non tháng càng đối diện với nhiều nguy cơ.
“Trẻ đẻ ra 37 tuần trở lên gọi là trẻ đủ tháng. Các bé sinh ra ở tuần thai 25, 26 tuần tức là sớm đến 3 tháng so với bình thường.Trẻ sinh non càng ít tháng thì càng đối diện với nhiều nguy cơ. Nguy cơ đầu tiên là phổi chưa trưởng thành, chưa phát triển nên không thở được thì dẫn tới phải hỗ trợ thở máy, ăn cũng chưa ăn được bởi vì đường ruột chưa phát triển, ăn có khi lại không tiêu, phải đối diện với nguy cơ như là viêm ruột, thủng ruột, tắc ruột. Còn vấn đề nữa là phát triển não bộ của đứa trẻ, nếu mình không chú ý thì các bé sẽ bị khiếm khuyết về tinh thần vận động, tương lai chậm phát triển. Chính vì thế trong lĩnh vực sơ sinh, chúng tôi không chỉ chăm sóc, dùng thuốc, máy móc, kỹ thuật hiện đại chữa bệnhmà cái quan trọng nữa là giúp cho trẻ sống nhưng phải phát triển được bình thường”.
Vì vậy, đi làm vào ngày Tết vất vả hơn, số lượng công việc sẽ gấp đôi ngày thường do các bác sĩ, điều dưỡng luân phiên nhau nghỉ Tết. Nhưng không một ai cho phép mình lơ là, chủ quan với công việc.
“Mọi cái đều rất tỉ mỉ, từ việc tắm, thay bỉm, lấy ven hay cho các cháu ăn. Sờ vào cháu thì các động tác đều rất tỉ mỉ, cẩn thận, mình chỉ cần làm lâu một chút thôi thì các cháu đã bị lạnh, và hạ nhiệt độ cũng làm tình trạng bệnh của các bé nặng lên. Rồi diễn biến của các bé rất âm thầm. Các bé lại không biết nói, chỉ biết khóc thôi, có những bé còn yếu quá không khóc được nhưng triệu chứng rất âm thầm nên nhiều khi cần sự quan sát tỉ mỉ, theo dõi sát sao và cũng cần nhiều kinh nghiệm nữa để phát hiện ra những vấn đề của bé, điều trị sớm nhất cho các bé” – BS Trần Thanh Hằng cho biết thêm.
Tại phòng chăm sóc đặc biệt, điều dưỡng Trương Thị Huyền đang tắm cho các bé. Vì các bé đều đang phải thở máy nên công việc này cần có sự phối hợp với bố mẹ các bé.Bố hoặc mẹ sẽ có nhiệm vụ giữ ống thở cho con để không bị tuột hay chạm vào nước, còn việc tắm rửa và thay quần áo hoàn toàn do chị Huyền thực hiện. Nhìn đôi tay thuần tục, vừa nhanh, dứt khoát nhưng vẫn nhẹ nhàng của chị Huyền khiến các bé được tắm cảm thấy thoải mái, chứ không hề sợ hãi.
“Mình làm ở đây 18 năm rồi. 2 cô điều dưỡng thì sẽ chăm sóc cho khoảng 25 cháu, có những bé nặng 500-600gr. Ăn uống, tắm rửa là các cô làm hết. Mỗi ngày con ăn từ 8-12 bữa mà trước khi ăn mình phải kiểm tra xem dịch dạ dày của con như thế nào, đã tiêu hết chưa. Cho ăn xong mình cũng phải kiểm tra lại một lần nữa”.
Cũng tại phòng hồi sức tích cực, có khoảng 10 em bé, mỗi bé nằm trong một lồng ấp với đủ loại máy móc xung quanh. Theo điều dưỡng Phạm Thị Vân Anh, đây là những trường hợp cần được chăm sóc đặc biệt trong môi trường vô khuẩn, chỉ một tác động nhỏ cũng có thể khiến trẻ nguy kịch và tử vong.
“Chúng tôi túc trực 24/24, lúc nào cũng phải có người theo dõi các chỉ số. Nếu một người đi ăn tầm 30 phút thì phải nhờ một người khác trông” – Điều dưỡng Phạm Thị Vân Anh nói.
Chấp nhận việc đi làm ngày Tết như là công việc, trách nhiệm của người làm trong ngành y nhưng điều đó không có nghĩa các anh chị không có những lúc cảm thấy chạnh lòng, nhất là khi nhìn con nhà người khác được đi chơi, vui vẻ có đầy đủ cả bố và mẹ còn con mình thì chơi một mình hoặc chỉ có bố hoặc mẹ.
“Ngày thường các y, bác sỹ sẽ làm ca 8 tiếng nhưng những ngày Tết sẽ phải làm thông 3 ca là 24 giờ đồng hồ. Nhiều khi con hỏi mẹ ơi sao mẹ hay đi làm về buổi tối thế. Tối mẹ đừng đi trực nữa mẹ ở nhà với con thì tôi lại phải bảo là mẹ mà ở nhà thì các em bé ở viện ai chăm” – Điều dưỡng Vân Anh kể.
Sứ mệnh của các y, bác sỹ là cứu chữa người bệnh do vậy họ chấp nhận hy sinh những niềm vui cá nhân để đổi lại sức khỏe cho bệnh nhân. Nhìn những em bé sinh non khi xuất viện khỏe mạnh, bình thường chính là món quà ý nghĩa dành cho các bác sĩ, điều dưỡng ở Trung tâm sơ sinh, BV Nhi TW.