Cùng nhiễm cúm, nhóm học sinh ở TP.HCM nhiễm cúm A/H1N1 thì nhanh khỏi, còn người nhiễm cúm A/H5N1 ở Campuchia đã tử vong vào cuối tháng 2. Nhiều người còn nhầm lẫn hoặc chưa rõ độc lực giữa các chủng cúm A này thế nào.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - Trưởng khoa nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho biết nhiễm cúm A là tình trạng nhiễm siêu vi với nhiều chủng khác nhau. Trong đó chủng H5N1 có độc lực cao nhất, với nguồn lây chủ yếu từ động vật hoang dã, gia súc, gia cầm.

Dù bệnh nhân được phát hiện và điều trị tích cực thì tình trạng bệnh diễn tiến xấu rất nhanh. Thường người nhiễm chủng này sẽ có biểu hiện viêm phổi, suy hô hấp, phải đặt nội khí quản, thậm chí chạy ECMO, với tỉ lệ tử vong khá cao với 50%.

Bác sĩ Phong cho biết thêm, hằng năm bệnh viện thường xuyên tiếp nhận điều trị những ca mắc bệnh cúm A thông thường, trong đó nhiều nhất là cúm A/H1N1. Riêng cúm A/H5N1, từ năm 2019 đến nay chưa tiếp nhận thêm ca nào.

Để phòng bệnh cúm A/H5N1, bác sĩ Phong khuyến cáo người dân cần phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện sớm và tiêu hủy những đàn gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc hay chết không rõ nguyên nhân. Tuyệt đối không giết mổ, vận chuyển, mua bán, sử dụng gia cầm và sản phẩm gia cầm này.

Còn với cúm A/H1N1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho hay là một trong những tác nhân phổ biến nhất gây bệnh cúm mùa trên thế giới. Bệnh lây từ người sang người, nhất là đường hô hấp, với biểu hiện lâm sàng khá nhẹ như sốt, mệt mỏi hoặc các biểu hiện của viêm đường hô hấp.

Hầu hết người mắc bệnh này đều lành tính, tự khỏi sau vài ngày mắc bệnh. Còn người lớn tuổi, thai phụ, người có bệnh lý nền, bệnh lý mãn tính... thì có nguy cơ chuyển biến nặng hơn.

Để kiểm soát lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đề nghị thực hiện nghiêm các quy định kiểm soát dịch bệnh trong trường học và mỗi người dân cần chú ý vệ sinh cá nhân.

Đối với người có triệu chứng, cần đeo khẩu trang ở nơi đông người, hạn chế tiếp xúc với người khác. Hiện biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vaccine phòng bệnh cúm hằng năm.