Hàng năm, cứ mỗi khi đến thời điểm giao mùa, đặc biệt là vào mùa xuân, bé Gia Khánh ở Hà Nội lại bị đau mắt. Cảm giác cộm, ngứa, chảy nước mắt… kéo dài hàng tuần khiến bé vô cùng khổ sở. Các bác sĩ cho biết, bé bị viêm kết mạc dị ứng nên khó điều trị dứt điểm và rất dễ tái phát.

TS.BS Phạm Ngọc Đông Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, nếu như viêm kết mạc do vi khuẩn, virus thường xảy ra vào mùa thu thì bệnh viêm kết mạc dị ứng thường có xu hướng xảy ra và tăng nặng vào mùa xuân. Nguyên nhân là do các dị nguyên như bụi, phấn hoa… gây ra. Biểu hiện của bệnh viêm kết mạc mùa xuân là bệnh nhân bị đỏ mắt, cộm, ngứa và tiết rất nhiều chất nhầy đặc khiến trẻ khó mở mắt khi ngủ dậy. Khi tiếp xúc với dị nguyên thì mắt càng đỏ và ngứa nhiều hơn.

“Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh viêm kết mạc dị ứng kéo dài không chỉ gây tổn thương ở kết mạc mà còn ảnh hưởng đến giác mạc. Bởi bệnh nhân bị thường ngứa rất nhiều có thể dụi mắt. Điều này có thể gây viêm, loét giác mạc, thậm chí thủng giác mạc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực của bệnh nhân” – theo TS. BS Phạm Ngọc Đông.

TS.BS Lê Thị Thu Hương – bác sĩ chuyên khoa về dị ứng miễn dịch hướng dẫn, khi trẻ bị khi trẻ bị đau mắt đỏ, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để thăm khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân dẫn đến viêm kết mạc là do vi khuẩn, virus hay do dị nguyên. Nếu trẻ được xác định viêm kết mạch dị ứng, cần có sự phối hợp điều trị giữa bác sĩ chuyên khoa mắt và bác sĩ chuyên khoa dị ứng.

Trong giai đoạn cấp tính, trẻ sẽ được bác sĩ kê đơn sử dụng thuốc nhỏ mắt bao gồm thuốc chống dị ứng, chống viêm. Đồng thời phải tránh tiếp xúc với các dị nguyên gây bệnh.

Trước đây, việc điều trị bệnh viêm kết mạc dị ứng chủ yếu là điều trị tiệu chứng, giảm ngứa và chống viêm. Tuy nhiên, hiện nay, với sự phát triển y học, đã có những phương pháp mới giúp điều trị bệnh hiệu quả hơn như giải mẫn cảm nếu như tìm được tác nhân gây bệnh hoặc điều trị bằng thuốc sinh học.

“Giải mẫn cảm tức là cho em bé tiếp xúc với chất gây dị ứng bằng những liều nhỏ, từ từ tăng dần hàng ngày để em bé mẫn cảm và dần dần không còn dị ứng với chất đó nữa. Còn thuốc sinh học là những phân tử protein được tổng hợp nhân tạo. Khi được đưa vào cơ thể, các phân tử này sẽ ngăn chặn các tín hiệu của một hay nhiều cotokine gây bệnh dị ứng, gây viêm từ đó giúp điều hòa hệ miễn dịch và giảm đi các triệu chứng hiệu quả. Hai phương pháp giải mẫn cảm và thuốc sinh học sẽ giúp giải quyết nguyên nhân gây ra của bệnh lý. Hiện đây là những phương pháp rất mới ở nước ta” – BS Lê Thị Thu Hương cho biết.