Tổ chức Y tế thế giới và các chuyên gia dinh dưỡng trong nước đều cảnh báo, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với “nạn đói” tiềm ẩn đó là đói vi chất. Hay nói một cách dễ hiểu là người Việt đang thiếu trầm trọng các vitamin và khoáng chất – những yếu tố vi lượng nhưng lại rất cần thiết cho tầm vóc và trí tuệ người Việt.

Theo báo cáo 2021 của Mạng Lưới Toàn cầu về Phòng Chống các rối loạn do thiếu iốt, Việt Nam đang nằm trong nhóm 26 nước còn lại trên thế giới bị thiếu i-ốt. Ngoài ra, cuộc Tổng Điều tra dinh dưỡng Quốc gia 2019 cho thấy chỉ còn 30% hộ gia đình ở Việt Nam sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh. Điều này thực sự đáng báo động.

Thêm vào đó, cuộc Tổng điêu tra dinh dưỡng Quốc gia 2019 cũng chỉ ra tình trạng thiếu kẽm ở mức có ý sức khỏe cộng đồng trầm trọng đặc biệt trong nhóm phụ nữ mang thai là 63% và trẻ em dưới 5 tuổi là 58%. Thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em dưới 5 tuối là 53.2% và phụ nữ có thai là 50.3%.

Việc thiếu vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em và khả năng sinh sản, cũng như năng suất lao động của người lớn. Trong khi đó, việc thực hiện chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chế độ dinh dưỡng học đường, dinh dưỡng cho người lao động, mới chỉ đạt kết quả bước đầu.

Do đó, tháng 1.2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 09/2016/NĐ-CP về bắt buộc tăng cường vi chất vào thực phẩm nhằm giải quyết tình trạng thiếu các vi chất phổ biến nhất ở người Việt Nam.

Tuy nhiên, 2 cơ quan là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nhận thấy Nghị định chưa được thực hiện sau hơn 5 năm ra đời, mặc dù tăng cường vi chất vào thực phẩm, bao gồm cả việc sử dụng nguyên liệu đã được bổ sung vi chất trong chế biến thực phẩm, vốn là một xu hướng toàn cầu, không gây ra tác động bất lợi nào lên thành phẩm cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, Phó Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, Trường Đại học Y Hà Nội, việc triển khai gặp khó khăn do một số yếu tố. Thứ nhất, phải đảm bảo nguồn vi chất cho vào thực phẩm không làm biến đổi đặc tính cảm quan của sản phẩm; hàm lượng vi chất phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Thứ hai, phải đảm bảo về mặt giá thành để người tiêu dùng có khả năng chi trả. Thứ ba, phải đảm bảo sự cung cấp liên tục cho người dân ở các vùng miền, cả những khu vực đặc thù như vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo. Những điều này cần tính toán đến để doanh nghiệp dễ dàng thực hiện – PGS.TS Nguyễn Quang Dũng nêu ý kiến.

Bà Huỳnh Kim Chi - Tổng Giám đốc Công ty Bột mì Quốc tế cho biết, khi thực hiện quy định “bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn từ khâu nhập nguyên liệu, do Việt Nam phải nhập khẩu số lượng lớn bột mì từ các quốc gia khác. Ở các nước xuất khẩu bột mì không có quy định phải bổ sung sắt, kẽm vào bột nên khi DN đề nghị bổ sung thêm vi chất sắt và kẽm thì không được nhà cung cấp chấp thuận. “Sau khi DN nhập bột mì phải tiến hành bổ sung vi chất sắt, kẽm trước khi đưa vào sản xuất, đã làm gia tăng rất lớn chi phí và giá thành của sản phẩm” - bà Chi cho biết.

Để tăng cường thực hiện nghiêm Nghị định 09, WHO và UNICEF đề nghị các cơ quan quản lý tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có thể tham gia.

"Các doanh nghiệp chế biến và phân phối thực phẩm cần được hỗ trợ với các quy định rõ ràng hướng dẫn thực hiện Nghị định và sử dụng nguyên liệu đã bổ sung vi chất để chế biến thực phẩm"- cũng là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, Phó Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, Trường Đại học Y Hà Nội.

Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm đã được Trung tâm Copenhagen Consensus 2012 xếp loại là một trong những can thiệp có hiệu quả nhất trong phát triển toàn cầu và là giải pháp đã được các tổ chức như WHO, WFP, UNICEF, FAO và WB khuyến nghị để thanh toán thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là giải pháp trung hạn, hiệu quả cao, chi phí thấp để tăng lượng dưỡng chất vào cơ thể mà không cần phải thay đối thói quen ăn uống hoặc cần tới nguồn ngân sách lớn của quốc gia. Hiện đang có 167 quốc gia quy định bổ sung i-ốt vào muối, trong đó 98 quốc gia quy định bắt buộc dùng muối i-ốt cho thực phẩm chế biến, 92 quốc gia quy định bổ sung sắt, kẽm vào bột mì và 36 quốc gia quy định bổ sung vitamin vào dầu ăn./.