7h00 sáng, gia đình chị Dương Thị Thảo Nhi ở Sóc Sơn đã bắt xe buýt đến Viện Dinh dưỡng Quốc gia để khám. Cháu Bống con chị Nhi được 21 tháng tuổi nhưng lại thiếu gần 3kg và 10cm so với tiêu chuẩn. Chị Nhi cho biết, ở nhà con chị rất lười ăn, cũng không chịu uống sữa. Sợ con còi hơn so với các bạn, chị cũng đã mua bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng hỗ trợ cho con uống.

“Mua sắt, canxi với thuốc bổ sung ăn ngon cho con. Tôi mua ở quán gần nhà, hỏi người bán thuốc là có loại thuốc nào giúp ăn ngon để tăng cân thì họ kê cho. 1 đợt mua 4 hộp, cũng gần triệu mà vẫn không cải thiện…”- chị Nhi nói.

Không riêng chị Thảo Nhi, nhiều phụ huynh có con nhỏ cũng có chung áp lực muốn con tăng cân, tăng chiều cao nhanh dẫn đến việc tùy tiện bổ sung vi chất, mà không cho trẻ đi khám. Phần lớn các phụ huynh thường mua các loại thuốc bổ ngoại nhập theo kinh nghiệm bản thân rồi truyền tai nhau về cho con uống mà không biết trẻ thiếu gì, thừa gì để bổ sung cho chính xác.

“Mình có thói quen là cứ khoảng đầu hè sẽ bổ sung canxi với vitamin D cho con một lần. Sau đó khoảng 6 tháng lại bổ sung tiếp. Mình thường mua hàng xách tay của người quen…Mình thấy con mình thấp hơn các bạn nên nghĩ có lẽ con thiếu canxi, rồi thỉnh thoảng cũng thấy con kêu đau xương thì cứ bổ sung cho con…” - một bà mẹ ở Hà Nội chia sẻ.

Theo TS.BS Trần Khánh Vân – Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hiện có 2 quan điểm về việc bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ. Một là cha mẹ không quan tâm đến việc bổ sung các vi chất thông qua bữa ăn hằng ngày của trẻ. Trong khi đó, nhiều cha mẹ lại bổ sung thái quá vì cho rằng con phát triển chậm hơn so với các bạn cùng trang lứa. Cả hai quan điểm này đều không có lợi cho trẻ.

BS Khánh Vân cho biết, vi chất dù mỗi ngày chỉ cần một lượng rất nhỏ, nhưng lại đóng vai trò vô cùng to lớn với cơ thể. Thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ, khiến hệ miễn dịch suy yếu dần, ảnh hưởng tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em. Đó là lý do vì sao, thiếu vi chất còn được gọi là "nạn đói tiềm ẩn" gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của trẻ.

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ thiếu vi chất, điển hình như khi cơ thể đang phát triển có nhu cầu vi chất cao, hoặc việc thường xuyên bị bệnh, nhất là nhiễm trùng cũng làm tăng nhu cầu về vi chất, hoặc do nhiễm giun sán… Nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ăn uống không đa dạng thực phẩm, không thay đổi món ăn, tiêu thụ nhiều thức ăn công nghiệp chế biến sẵn, lười ăn hoặc kén ăn…

Đặc biệt, không chỉ có trẻ gầy mới có nguy cơ thiếu vi chất, trẻ có cân nặng bình thường, thậm chí trẻ thừa cân, béo phì vẫn có thể thiếu vi chất dinh dưỡng. Các biểu hiện thiếu vi chất thường không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn nhưng lại rất thường gặp trong cộng đồng và gây những tác động lớn, ảnh hưởng sự phát triển và trí tuệ của giống nòi, sức lao động của xã hội.

Ngược lại, việc cha mẹ tự ý bổ sung các loại vi chất cho trẻ không đúng lại có thể gây nên tình trạng thừa vi chất, thậm chí ngộ độc, gây hại cho sức khỏe.

"Việc tự ý bổ sung các chất dinh dưỡng không phù hợp cho trẻ có thể không đem lại lợi ích mà còn gây hại cho trẻ. Chẳng hạn nếu bổ sung không đúng loại vi chất trẻ đang thiếu thì sẽ không có hiệu quả cải thiện ăn uống và sức khỏe mà còn có thể bị dư thừa, nếu không thải được ra ngoài mà tích lũy nhiều trong cơ thể thì có thể gây ngộ độc (ví dụ vitamin tan trong chất béo A, D, E, K, ...). Việc bổ sung các chất dinh dưỡng không cân đối, năng lượng rỗng có thể gây dư năng lượng dẫn đến béo phì nhưng vẫn bị thiếu vi chất dinh dưỡng" - BS Khánh Vân cho biết.

BS Khánh Vân khuyến cáo, các gia đình nên cho trẻ ăn đúng theo từng độ tuổi của trẻ, cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết với số lượng phù hợp, tập ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm khác nhau trong ngày, thay đổi món, ăn cả phần xác (phần cái) của thực phẩm chứ không chỉ ăn nước hầm xương, nước luộc thịt hay luộc rau,... Cho trẻ uống đủ sữa và sử dụng gia vị chứa I ốt để bổ sung cho cơ thể.

Nếu cha mẹ có nhu cầu bổ sung thêm vi chất dạng chế phẩm cho con, cần có sự tham vấn của chuyên gia dinh dưỡng, không nên tự bổ sung theo cảm tính.