Một số sai lầm cần tránh khi điều trị hen cho trẻ

Hen phế quản ở trẻ em là một bệnh mạn tính cần điều trị lâu dài cũng như sự kiên trì và phối hợp chặt chẽ giữa gia đình với bác sĩ. Tuy nhiên, TS-BS Lê Thị Thu Hương – bác sĩ chuyên khoa về dị ứng miễn dịch – cho biết, trong quá trình điều trị cho trẻ mắc bệnh hen, bác sĩ nhận thấy các bậc cha mẹ có những quan niệm chưa đúng về căn bệnh này. Điều đó dẫn tới những sai lầm trong việc kiểm soát hen và gây ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

Sai lầm đầu tiên là tự ý ngưng thuốc, bỏ thuốc điều trị hen cho trẻ. Sau giai đoạn đầu tiên, khi việc điều trị hen cho bé đạt hiệu quả, cơn hen đã được kiểm soát thì một số bậc cha mẹ cho rằng em bé đã khỏi bệnh và tự ý bỏ thuốc. Tuy nhiên, bệnh hen không thể chữa khỏi hoàn toàn, nếu được quản lý và điều trị tốt trẻ sẽ không bị lên cơn hen cấp tính và có cuộc sống bình thường.

Sai lầm thứ hai khá thường gặp là các bậc cha mẹ không dùng thuốc điều trị dự phòng cho trẻ một cách đầy đủ, đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ do lo sợ tác dụng phụ của thuốc.

“Việc điều trị dự phòng nhằm giảm nguy cơ xuất hiện cơn hen cấp, duy trì chức năng hô hấp và quá trình phát triển của phổi. Nếu các bậc cha mẹ không cho trẻ dùng thuốc một cách đều đặn, đầy đủ thì trẻ có nguy cơ bị tái phát cơn hen cấp tính nhiều lần. Mỗi lần tái phát như vậy, liều dùng thuốc sẽ phải tăng lên. Bên cạnh đó, có một hậu quả lâu dài mà các bậc cha mẹ không nhận ra, đó là không điều trị dự phòng đầy đủ sẽ khiến chức năng hô hấp của trẻ càng ngày càng bị suy giảm, dù sau này có kiểm soát tốt cơn hen thì chức năng hô hấp cũng không thể hồi phục như cũ. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của con khi trưởng thành cũng như khi về già sau này” - TS-BS Lê Thị Thu Hương phân tích.

Thứ ba là khi trẻ lên cơn hen với các biểu hiện như ho, khò khè, nhiều bậc cha mẹ lầm tưởng đây là triệu chứng của bệnh viêm phế quản nên tự mua thuốc ho có thành phần long đờm về cho trẻ uống. Tuy nhiên, theo bác sĩ Lê Thị Thu Hương, đây là loại thuốc chống chỉ định trong giai đoạn đầu của hen phế quản. Bởi khi trẻ bị hen sẽ xảy ra hiện tượng co thắt phế quản khiến trẻ khó khăn trong việc hô hấp, nếu dùng thuốc long đờm sẽ vô tình làm trẻ càng bị khó thở hơn.

Một trong những sai lầm cũng thường gặp là các bậc cha mẹ không kiên trì theo đuổi quá trình điều trị của trẻ. “Điều trị hen là một quá trình, thông thường, trẻ cần được tái khám sau 1-3 tháng bắt đầu điều trị, sau đó 3 - 6 tháng tái khám 1 lần. Tuy nhiên, có những bậc cha mẹ không kiên trì để theo đuổi hành trình đó. Nếu trẻ bị bỏ dở quá trình điều trị hoặc không được điều trị thì sau này, khi cơn hen tái phát, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn” - TS-BS Lê Thị Thu Hương nói.

Kiểm soát và điều trị bệnh hen ở trẻ sao cho hiệu quả?

Theo TS-BS Lê Thị Thu Hương, điều trị hen cho trẻ cần đạt được hai mục tiêu, đó là: giảm tần suất tái phát cơn hen cấp tính, do đó sẽ giảm được tác dụng phụ của thuốc và phục hồi được chức năng phổi của trẻ để các bé có thể tham gia tất cả các hoạt động thể thao, sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày như trẻ bình thường.

“Các bậc cha mẹ nên xác định việc điều trị hen không phải trong ngày một, ngày hai mà là một kế hoạch dài hơi. Bước đầu tiên là chúng ta cần phải xác định được yếu tố kích thích cơn hen ở trẻ là gì để đưa ra là chiến lược phòng tránh yếu tố kích thích. Bước thứ hai là phải điều trị bằng thuốc. Thuốc điều trị hen chính là điều trị nền viêm mạn tính đường thở chứ không phải là thuốc điều trị cắt cơn. Thuốc cắt cơn chỉ là điều trị phần ngọn, để giải quyết gốc rễ thì phải là điều trị dự phòng. Thông thường, sau 3 tháng điều trị, bác sĩ sẽ cân nhắc việc giảm liều thuốc, tiến tới cắt thuốc hoặc tăng liều. Điều này sẽ phụ thuộc vào sự tuân thủ dùng thuốc của gia đình cũng như khả năng đáp ứng thuốc và phục hồi chức năng phổi của bệnh nhi. Có những em bé được giảm thuốc sớm nhưng cũng có những bé phải dùng thuốc lâu dài hơn. Do đó, việc điều trị hen là cá thể hóa trên từng bệnh nhi. Như vậy, điều trị hen là một kế hoạch bao gồm: tránh yếu tố kích thích, tuân thủ điều trị xịt thuốc đúng đủ đều và tái khám đúng hẹn” - TS-BS Lê Thị Thu Hương hướng dẫn.

Bên cạnh đó, để việc điều trị bệnh hen cho trẻ đạt hiệu quả tốt còn cần kiểm soát tốt các bệnh lý phối hợp. Đặc biệt, viêm mũi dị ứng và trào ngược dạ dày thực quản là hai bệnh lý rất thường gặp ở trẻ và dễ gây ảnh hưởng không tốt tới kết quả điều trị hen – TS-BS Lê Thị Thu Hương cho biết thêm.