Hai mẹ con đến viện trong tình trạng bé đã lọt lòng, chưa cắt rốn, hồng hào khóc tốt; mẹ chưa bong nhau, xuất huyết.

Bé gái cân nặng 3,8 kg, bác sĩ cắt rốn, chăm sóc sơ sinh. Sản phụ được cấp cứu, đỡ nhau, truyền dịch, khâu phục hồi rách tầng sinh môn.

Hiện, hai mẹ con đều ổn định sức khỏe, được xuất viện. Được biết, đây là lần mang thai lần thứ 4 của sản phụ. Nhà chị ở Hưng Yên cách Hà Nội khoảng 50km, đi ôtô khoảng một giờ. Chị cho biết khi bụng đau từng cơn báo hiệu chuyển dạ, gia đình mới gọi taxi vào viện, đẻ con xong thì cũng là lúc xe vừa đến cửa Khoa Cấp cứu.

Theo các bác sĩ, thời gian chuyển dạ sinh con lần đầu của một sản phụ trung bình kéo dài từ 6 đến 12 giờ. Ở lần sinh sau, thời gian chuyển dạ nhanh hơn bởi âm đạo đã co giãn tốt hơn.

Như sản phụ trên, sinh con lần 4 nên thời gian chuyển dạ nhanh hơn, dẫn đến đẻ rơi trước khi đến viện, may mắn sau đó mẹ con được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, bác sĩ khuyên thai phụ cùng gia đình không được chủ quan, cần khám thai định kỳ. Đến ngày tháng dự sinh và có dấu hiệu chuyển dạ, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để theo dõi, sinh nở an toàn.

Trong trường hợp sản phụ sinh con trên đường đi, trên xe taxi… để tránh rủi ro có 2 việc cần làm để an toàn cho mẹ và bé. Đó là:

Thứ nhất, đối với bé, phải khai thông đường thở của bé bằng cách hút nhớt. Lúc này, người đỡ cần lấy khăn hay áo chùi ngay mũi miệng của bé. Sau đó, lấy khăn hay áo quấn ấm cho bé để tránh hạ thân nhiệt.

Thứ hai, người mẹ cần hạn chế mất máu nhiều, gây băng huyết sau sinh. Người đỡ nên lấy tay xoa bóp vùng tử cung cứng ngay dưới rốn. Vùng này càng cứng và càng nhỏ thì tử cung càng gò tốt, ít bị chảy máu.

Bên cạnh đó, khi có các dấu hiệu báo chuyển dạ như đau bụng từng cơn (gò tử cung), trằn bụng, ra nhớt hồng, có cảm giác muốn đi đại tiện... sản phụ cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và hỗ trợ kịp thờ. Lưu ý là các dấu hiệu đa dạng và đôi khi chuyển dạ diễn biến nhanh, đặc biệt là với người đã từng sinh nở.

Ngoài ra, thai phụ cần thận trọng trong thời tiết nắng nóng phải đối diện với nguy cơ tiền sản giật do cơ thể thiếu nước. Lý do là vì mùa hè nhiệt độ môi trường thay đổi làm thay đổi sự chuyển hóa trong cơ thể. Cơ thể bị mất nước qua mồ hôi, qua hơi thở mà không được bồi phụ đủ dẫn đến rối loạn chuyển hóa muối và nước ở những phụ nữ bị bệnh thận, tăng huyết áp mang thai làm cho mạch máu bánh rau co lại, dẫn đến thiếu máu bánh rau, tiền sản giật và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.

Nếu sử dụng quạt hay điều hòa, thai phụ cũng cần lưu ý nhiệt độ phòng không chênh quá lớn với nhiệt độ bên ngoài để tránh bị sốc nhiệt, nên để điều hòa trên 26 độ và tránh để quạt máy hay điều hòa thổi thẳng vào người.