Có khoảng 30-40% bệnh nhân điều trị nội trú bị suy dinh dưỡng

Ông Nguyễn Xuân Nghi 82 tuổi, ở Sóc Sơn, Hà Nội bị nhiều bệnh lý nền như tim mạch, huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Vốn dĩ bình thường ông đã gầy gò do ăn uống kiêng khem nhiều thứ, đến khi xuất hiện các triệu chứng đau bụng thường xuyên thì càng không ăn được gì, cơ thể càng thêm suy dinh dưỡng.

Trước đó, tôi nặng 56kg, bắt đầu từ thời điểm ra Tết hay bị đau bụng, đã đi khám và mổ ruột thừa. Nhưng sau đó về bụng vẫn đau và không ăn được gì. Đến bệnh viện Việt Đức khám lại thì bác sĩ chẩn đoán là u đại tràng. Bây giờ tôi còn 45kg, không ăn được, đau bụng kéo dài nên mệt lắm” – Ông Nguyễn Xuân Nghi kể.

Sau khi được phẫu thuật cắt bỏ khối u đại tràng, ông Nghi được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch một thời gian rồi mới chuyển sang tự ăn. Mặc dù gia đình chăm sóc rất tốt, mỗi bữa đều nấu cháo rồi xay nhuyễn nhưng ông cũng chỉ ăn được vài thìa, sau đó lại bị đi ngoài hoặc nôn ra. Không ăn được nên dường như đã hơn 1 tháng trôi qua, ông đã không còn đủ sức để chống lại những cơn đau tại vết mổ hành hạ.

Ông Nguyễn Xuân Nghi cho biết: “Bây giờ đáng lẽ tôi phải xuất viện rồi nhưng vẫn phải xin bác sĩ cho ở thêm nữa vì đau quá, về nhà đau thế này thì biết làm sao”.

Hiện khoa Ung bướu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có khoảng 80 bệnh nhân điều trị nội khoa. BS Bùi Trung Nghĩa cho biết, mỗi bệnh nhân trước khi nhập viện đều được đánh giá về tình trạng dinh dưỡng. Theo đó, bệnh nhân suy dinh dưỡng được chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất khi nhập viện, bệnh nhân đã bị suy dinh dưỡng rồi, các bác sĩ phải can thiệp để nâng cao hiệu quả điều trị. Nhóm thứ hai là bệnh nhân bị suy dinh dưỡng trong quá trình điều trị. Nhất là bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa sẽ bị gián đoạn dinh dưỡng một thời gian, bệnh nhân phải điều trị hóa chất thường bị tác dụng phụ như ăn kém, mất vị giác, tiêu chảy gây ra suy dinh dưỡng.

Theo BS Bùi Trung Nghĩa, có không ít trường hợp vì suy dinh dưỡng nặng, bác sĩ phải chỉ định hoãn phẫu thuật để nâng cao thể trạng cho bệnh nhân:

“Gần đây nhất có trường hợp bệnh nhân mổ dạ dày rồi bị rò miệng nối, nằm điều trị ở tuyến dưới 2 tháng sụt 15kg, khi nhập viện khoa Ung bướu, BV Việt Đức, lượng máu của bệnh nhân chỉ còn 1/3 so với ng bình thường. Vì tình trạng quá suy dinh dưỡng nên nếu phẫu thuật đóng rò miệng lại ngay thì bệnh nhân sẽ không thể chống đỡ được, vì vậy các bác sĩ phải hoãn lại 3 tuần để tăng cường nuôi dưỡng đường tĩnh mạch cho bệnh nhân trước”- BS Bùi Trung Nghĩa cho biết.

Nuôi dưỡng đường tĩnh mạch được coi là khá lý tưởng cho bệnh nhân sau phẫu thuật có thể trạng kém song phương pháp này chỉ được thực hiện trong thời gian ngắn và không phải bệnh nhân nào cũng đáp ứng được do chi phí cao.

Theo thống kê của Hiệp hội dinh dưỡng lâm sàng Châu Âu, có khoảng 30-40% bệnh nhân nằm viện điều trị bị suy dinh dưỡng. Ở nước ta, tuy chưa có nghiên cứu toàn diện nào về vấn đề này nhưng thống kê ở Bệnh viện Bạch Mai cho thấy có khoảng 40% bệnh nhân nằm viện điều trị bị suy dinh dưỡng, tỷ lệ này là 30% ở bệnh nhân tim mạch điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân điều trị nội trú chưa được quan tâm đúng mức

Ở nước ta, Viện Dinh dưỡng Việt Nam đã được thành lập từ lâu nhưng một viện không thể bao phủ được hết tất cả các vấn đề dinh dưỡng, đặc biệt là mảng chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân nằm viện, trong khi đó vấn đề suy dinh dưỡng xảy ra phần lớn ở đối tượng này. Chính vì vậy, năm 2020, Hội nuôi dưỡng đường tĩnh mạch và tiêu hóa Việt Nam được thành lập với mục đích chính là nâng cao kiến thức cho các bác sĩ và người nhà chăm sóc bệnh nhân nằm viện về sử dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý như một phương pháp điều trị hiệu quả. Thành viên của Hội là các bác sĩ dinh dưỡng ở các khoa dinh dưỡng ở bệnh viện, cơ sở y tế tuyến huyện… và ở các chuyên ngành khác nhau như hồi sức can thiệp, bác sĩ lâm sàng, nội tiết, ung bướu, tim mạch…

Cũng năm 2020, Bộ Y tế đã có Thông tư 18 quy định về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện. Theo đó, các bệnh viện từ 100 giường bệnh trở lên phải thành lập khoa dinh dưỡng. Thế nhưng, hoạt động chăm sóc dinh dưỡng cũng như tư vấn dinh dưỡng ở các bệnh viện hiện nay còn tồn tại nhiều khó khăn khiến tình trạng suy dinh dưỡng của bệnh nhân dù đã được cải thiện nhưng vẫn ở mức cao. Đề cập nguyên nhân này, BS Đỗ Tất Thành –Phó CT Hội nuôi dưỡng đường tĩnh mạch và tiêu hóa Việt Nam cho rằng, hiện còn nhiều bác sĩ lâm sàng là người trực tiếp điều trị bệnh lại chưa thực sự quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng của bệnh nhân .

“Tôn chỉ là các bác sĩ dinh dưỡng và lâm sàng kết nối với nhau để cùng điều trị cho bệnh nhân nhưng hiện nay sự kết nối này còn yếu, chỉ có một số ít bác sĩ lâm sàng quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng. Nguyên nhân của thực trạng này cũng là do hiện nay áp lực lên ngành y tế quá lớn, một nhân viên y tế làm một lúc nhiều việc, bác sĩ lâm sàng vừa khám bệnh, vừa đi phẫu thuật, họ không có thời gian để quan tâm nhiều hơn đến vấn đề thể lực của bệnh nhân, hay sự cần thiết nâng cao thể trạng cho bệnh nhân – yếu tố quan trọng để điều trị bệnh hiệu quả” – BS Đỗ Tất Thành cho biết.

Về phía hoạt động của Hội cũng có khó khăn là đưa kiến thức lâm sàng vào thực tiễn. “Trong thời đại thông tin toàn cầu, chúng tôi có nhiều cơ hội tiếp cận với các tài liệu mới nhất về y học trong đó có dinh dưỡng, chúng tôi có cơ hội giao lưu với nhiều chuyên gia trên thế giới, chúng tôi đã tích cực làm sao để đưa được kiến thức đấy mời các bác sĩ ở các chuyên ngành khác nhau cùng quan tâm, cùng theo dõi nhưng để áp dụng kiến thức đó vào người bệnh thì chính là vướng mắc của chúng tôi. Thứ nhất là bác sĩ có quan tâm đến người bệnh hay không, thứ hai là người nhà có đồng ý tuân theo lời tư vấn của bác sĩ hay không chứ 1 trong 2 thứ yếu cũng ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình” – BS Đỗ Tất Thành nhấn mạnh.

Chẳng hạn nhìn vào nhóm bệnh nhân ung thư. Việc điều trị bằng hóa chất trong thời gian dài, một mặt có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư nhưng một mặt cũng ảnh hưởng đến tế bào lành. Qua những đợt điều trị như vậy thì họ thường chán ăn, không ăn được thì bác sĩ cần quan tâm hơn đến hỗ trợ dinh dưỡng cho bệnh nhân thì họ mới tiếp tục theo đuổi điều trị. Nếu không, họ sẽ bỏ cuộc. Thực tế đã thấy không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc để chạy theo phương pháp phản khoa học khiến thời gian sống của bệnh nhân rút ngắn đi rất nhiều.

“Để khắc phục trở ngại trên, tương lai, Hội nuôi dưỡng đường tĩnh mạch và tiêu hóa Việt Nam tiếp tục cùng với Hội Dinh dưỡng lâm sàng trên thế tổ chức hội thảo chung mời chuyên gia của họ về trao đổi với đồng nghiệp Việt Nam để các bác sĩ lâm sàng, người bệnh thấy bức tranh toàn cảnh hơn, hiệu quả cao hơn khi quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng trong điều trị bệnh” – BS Đỗ Tất Thành cho biết định hướng tương lai của Hội.

Vừa qua, nhóm bác sĩ dinh dưỡng do BS Đỗ Tất Thành phụ trách ở BV Hữu nghị Việt Đức đã triển khai hệ thống thông tin mới về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh. Theo đó, người bệnh khi vào viện, những chỉ số về sức khỏe đã được cập nhật lên hệ thống, bác sĩ dinh dưỡng chỉ cần cập nhật vào là đã biết bệnh nhân của mình được chỉ định về dinh dưỡng như thế nào, sau đó sẽ có sự điều chỉnh phù hợp.