Suy tĩnh mạch chi dưới là bệnh lý khá thường gặp, nhất là ở phụ nữ. Căn bệnh này không chỉ gây khó chịu, đau đớn, mất thẩm mỹ ở chân mà còn có nguy cơ gây ra biến chứng như viêm tắc tĩnh mạch, trong đó nguy hiểm nhất là tắc mạch phổi dễ dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

Theo TS-BS Nguyễn Tuấn Hải Trưởng khoa C6, Viện Tim mạch quốc gia – Bệnh viện Bạch Mai, khi có các triệu chứng như tê bì, mỏi chân, đau và nặng chân, chuột rút về đêm, phù chi dưới hoặc viêm da, rối loạn sắc tố da, loét chi dưới… người bệnh nên đi khám chuyên khoa tim mạch để được tư vấn và hướng dẫn điều trị. Hiện nay có rất nhiều biện pháp can thiệp giúp điều trị khỏi hoàn toàn căn bệnh này.

Để phòng tránh bệnh tái phát cũng như hạn chế nguy cơ mắc căn bệnh này, TS- BS Nguyễn Tuấn Hải hướng dẫn người bệnh nên thay đổi một số thói quen trong sinh hoạt hàng ngày nhằm làm giảm sự ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch, giảm áp lực lên đôi chân.

“Cụ thể, người bệnh nên thực hiện chế độ ăn uống giàu chất xơ, ăn nhiều rau quả tươi, tránh tình trạng táo bón. Khi làm việc thì không nên ngồi bắt chéo chân hoặc ngồi bất động trong thời gian dài. Sau khoảng 1-2 tiếng nên đứng lên, đi lại, vận động. Nếu phải đứng lâu tại chỗ thì cứ khoảng 30 phút nên dậm chân nhằm giảm áp lực xuống tĩnh mạch chân. Với phụ nữ thì tôi khuyến cáo không nên đi giày quá cao. Với những bệnh nhân đã bị suy tĩnh mạch thì khi ngủ vào ban đêm có thể kê cao chân từ 10-15cm so với mặt giường” – TS-BS Nguyễn Tuấn Hải chia sẻ.

Với những trường hợp cần mang tất áp lực, bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải khuyên bệnh nhân nên mang lúc đi lại, khi làm việc, đứng và ngồi. Tuy nhiên, khi nằm nghỉ hoặc ngủ vào ban đêm thì có thể bỏ ra để thoải mái, dễ chịu hơn.

Về chế độ tập luyện, theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, bệnh nhân suy tĩnh mạch chi dưới có thể tham gia các môn thể thao như bơi lội, đạp xe hoặc đi bộ. Việc đi bộ hoặc tham gia các môn bơi lội, đạp xe sẽ giúp tăng cường hoạt động của các bơm cơ, giúp đẩy máu từ chi dưới trở về tim. Tuy nhiên, thời gian mỗi lần đi bộ không nên quá 60 phút. Nếu như cần đi bộ lâu hơn, bệnh nhân nên đi tất chun hoặc cuốn băng chun áp lực.

Khi có hiện tượng đau mỏi chân, nhiều người thường ngâm chân bằng nước nóng hoặc chườm đắp nóng để tạo cảm giác dễ chịu. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, bệnh nhân suy tĩnh mạch chi dưới không nên áp dụng các biện pháp ngâm chân nước ấm, chườm nóng, xông hơi hoặc phơi nắng trực tiếp.

“Nước ấm, nhiệt độ cao làm giãn mạch làm tăng cường lưu thông mạch và có vẻ như rất dễ chịu. Tuy nhiên, với những người có triệu chứng suy tĩnh mạch thì việc tiếp xúc với nước nóng sẽ làm cho bệnh nặng hơn bởi vì làm tĩnh mạch sẽ giãn hơn và ứ máu tĩnh mạch trở nên nhiều hơn. Vì vậy, hợp lý hơn nếu như bệnh nhân ngâm chân nước mát hay là đi bơi vào mùa hè” – vị bác sĩ chuyên khoa tim mạch khuyến cáo.