Cách đây 4 tháng khi con trai đang học lớp 1, chị Lê Mỹ Linh sống tại huyện Thanh Trì - Hà Nội bất ngờ thấy vở viết của bé thường xuyên bị gạch xóa, sai dòng. Sau khi trao đổi với cô giáo và con trai, chị Linh quyết định đưa con đến gặp bác sĩ nhãn khoa. “Trước đây, khi con 4 tuổi có khám sàng lọc tật khúc xạ ở trường các bác sĩ cũng nói mắt con có vấn đề, nhưng nghĩ không sao vì con vẫn nhìn bình thường, tự dưng đến học kỳ 2 lớp 1 khi hạ cỡ chữ thì con nhìn có vấn đề luôn”- chị Linh nói.
3 tháng trước khi kết thúc năm học đầu tiên của bậc tiểu học, bé Nguyễn Tuấn Minh con trai chị Linh không còn cách nào khác phải làm quen và gắn bó với cặp kính để việc nhìn, việc học không bị ảnh hưởng.
Với bé Nguyễn Linh Chi- 8 tuổi, nhà ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, việc đeo kính cũng phải thực hiện từ lớp 1. “Từ hồi học mầm non thấy con nhíu mày, nháy mắt và nhìn mọi vật phải gí sát mắt nhưng gia đình chưa cho đi khám. Đến lớp 1, thấy con nhìn khó quá nên phải cho đi khám. Bác sĩ bảo một mắt cận, 1 mắt loạn”- bà Hoàng Thị Chính- bà ngoại của bé Chi chia sẻ.
Thực tế các gia đình nhiều khi chưa quan tâm đúng mức đến sức khỏe đôi mắt trẻ nhỏ nên thường đến viện muộn, ảnh hưởng đến thị lực của trẻ. Khi đôi mắt đã bị suy giảm thị lực thì khó có thể hồi phục như lúc ban đầu. TS-BS Hoàng Cương – Bệnh viện Mắt Trung ương cho rằng, cách chăm sóc mắt thường được Viện Mắt Trung ương khuyến cáo thực hiện tại cộng đồng theo mô hình của các nước phát triển, đó là kể cả khi không có những dấu hiệu bất thường thì cha mẹ cũng cần cho trẻ đi khám và kiểm tra mắt.
Những dấu hiệu "đe dọa" thị lực của trẻ
Giảm thị lực vì các nguyên nhân khác nhau hay những than phiền về mắt kém của các bé, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám.
Có thể kiểm tra mắt cho trẻ tại nhà bằng cách bịt một bên mắt của bé xem sức nhìn có bằng nhau không. Theo TS-BS Hoàng Cương, tuy phương pháp này khá đơn giản và dễ làm nhưng nó lại mang lại lợi ích lớn, đó là giúp loại bỏ nguy cơ có thể gây mù lòa cho trẻ. Ngoài ra, các triệu chứng như đỏ mắt thì rõ ràng mắt của trẻ đang có vấn đề.
Day dụi mắt, đỏ mắt, chói mắt, sợ ánh sáng, giàn dụa nước mắt luôn là dấu hiệu báo động mắt có "thảm họa" gì đấy, đặc biệt là nhắm mắt và không mở được mắt, lúc đó, chúng ta nên đưa trẻ đi khám mắt ngay lập tức.
“Vấn đề khúc xạ, chúng ta chia thành nhóm riêng và triệu chứng đầu tiên xác định đó là trẻ nhìn mờ, nhìn bảng không rõ, chất lượng đi học không tốt. Nếu trẻ nhìn mờ, các cha mẹ nên để ý hành động trẻ có thể nheo mắt, nghiêng đầu hoặc vẹo cổ để nhìn rất vất vả. Lúc này, nên đưa trẻ đi khám để được đeo kính kịp thời. Ngoài ra, trẻ có thể gặp các vấn đền liên quan đến tật khúc xạ khi gia đình có nhiều người đeo kính”- BS Hoàng Cương cho biết.
Bên cạnh đó, nếu trẻ gặp phải các tai nạn, chấn thương cha mẹ đều phải đưa trẻ đi khám mắt ngay theo khuyến cáo của các chuyên gia nhãn khoa.
Có nên tự ý sử dụng thuốc mắt cho trẻ?
Đối với nhóm thực phẩm chức năng, TS-BS Hoàng Cương cho rằng, các hoạt chất trong thực phẩm chức năng khá thấp, có thể dùng tương đối thoải mái, dùng lâu dài mà không lo bị nhiễm độc thừa, không bị tác dụng phụ. Đối với nhóm sản phẩm tra mắt thì có thể dùng nước mắt nhân tạo, nước muối sinh lý cũng được coi là một loại thực phẩm chức năng. Nước muối sinh lý giúp rửa trôi bụi bặm, gỉ mắt hằng ngày, dưỡng ẩm mắt…Nên nhỏ nước muối sinh lý hằng ngày, sáng sau khi ngủ dậy và tối sau khi đi học về hoặc dùng theo nhu cầu.
“Ngoài thực phẩm chức năng và nước muối sinh lý, các loại thuốc khác về mắt đều gây ra tác dụng phụ, không ít thì nhiều, thậm chí còn gây tác dụng ngược, ảnh hưởng xấu đến đôi mắt của trẻ. Thói quen của người Việt Nam là đi mua thuốc ở ngoài quầy thuốc, dùng thuốc theo mách bảo, kinh nghiệm của người khác chứ không theo khám bác sĩ, đây là hành động nguy hiểm nhất. Điều này làm gia tăng tỷ lệ mù lòa do biến chứng từ việc sử dụng thuốc sai cách”- BS Hoàng Cương cảnh báo.
Cách chăm sóc mắt và phòng chống suy giảm thị lực cho trẻ
Cần khám mắt theo chu kỳ và khám theo lịch hẹn của bác sĩ. “Trong đời người có những mốc nhất định phải khám. Đầu tiên ngay khi trẻ ra đời, trẻ cần được khám mắt để sàng lọc và phát hiện mù lòa và dị tật bẩm sinh. Lần thứ 2 là trước khi đi học lớp 1 phải khám đồng loạt, có tính chất như bắt buộc. Lần khám thứ hai này cũng rất quan trọng giúp phát hiện mù lòa bẩm sinh có tính chất gia đình hoặc di truyền thì chúng ta có thể phát hiện được. Mỗi năm sau đó vẫn nên duy trì việc khám mắt. Mốc thứ ba cũng quan trọng, đó là sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, bởi vì trước khi vào đại học cần phải khám mắt lần nữa”- BS Hoàng Cương nhấn mạnh.
Không nên sử dụng hoặc nhìn các thiết bị điện tử hơn 7 giờ đồng hồ/ngày, nếu quá thời gian này sẽ gây mỏi mắt, khô mắt, cận thị và tăng mức độ cận thị rất nhanh.
Không tự ý sử dụng thuốc tra mắt không được bác sĩ kê đơn.