Hơn 80.000 bộ gen của virus SARS-CoV-2 đã được giải mã

Nghiên cứu hệ gen là việc nghiên cứu toàn bộ hoặc một phần trình tự, cấu trúc và chức năng hệ gen của sinh vật cũng như cơ chế di truyền biểu sinh của chúng. Nhờ có hiểu biết về trình tự gen của virus SARS-CoV-2 mà các nhà khoa học mới có thể phát hiện được bộ xét nghiệm và vắc-xin đáp ứng đặc hiệu.

Theo TS Orla Condell, cán bộ kỹ thuật, Tổ chức Y tế thế giới (WHO): tính đến ngày 19/3 trên khắp thế giới, các nhà nghiên cứu đã giải mã trình tự hơn 80.000 bộ gen của virus SARS-CoV-2.

Từ đó, có hàng nghìn biến thể đã được xác định. Hầu hết các đột biến là không có nhiều ý nghĩa, nhưng có một số đột biến có thể làm cho virus dễ lây lan hơn, nguy hiểm hơn và ảnh hưởng đến hiệu quả chẩn đoán, điều trị và đáp ứng vắc-xin so với chủng virus đầu tiên.

"Vắc-xin mới chỉ là một nửa công việc. Việc phát hiện và giám sát các biến chủng virus cũng quan trọng không kém để chúng ta có thể kịp thời ứng phó với đại dịch. Một ưu tiên của cộng đồng quốc tế là chia sẻ và minh bạch dữ liệu với nhau. Vương quốc Anh có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này và sẵn sàng chia sẻ với các đối tác” - Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward cho biết.

Cũng theo Đại sứ Gareth Ward: ở Anh, có một nửa số liệu thông tin liên quan đến virus SARS CoV-2 là thông qua các diễn đàn quốc tế. Con số này cho thấy tầm quan trọng của việc phải có hệ thống dữ liệu toàn cầu về hệ gen của virus cúm và virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên hiện nay, nhiều quốc gia còn hạn chế về chuyên môn khoa học để giải trình tự toàn bộ hệ gen của virus và sau đó, chia sẻ dữ liệu này với cộng đồng quốc tế. Các thiết bị phục vụ cho hoạt động này tuy không quá đắt, nhưng việc vận hành chúng lại đòi hỏi nhiều kỹ năng đặc biệt cần tích lũy trong thời gian dài.

“Chúng ta cần có những chương trình tập huấn với sự hỗ trợ kỹ thuật từ những quốc gia đã sẵn có kinh nghiệm chuyên môn.” – GS Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford nhấn mạnh.

Chia sẻ về trình tự gen trong khu vực Đông Nam Á còn hạn chế

Theo GS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng tham gia mạng lưới chia sẻ thông tin dữ liệu y tế. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, chia sẻ về trình tự gen vẫn rất hạn chế.

Ở nước ta, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh là 2 cơ quan nghiên cứu đầu ngành, có nhiệm vụ phân tích hệ gen từ các mẫu bệnh phẩm SARS-CoV-2 để truy vết nguồn gốc lây bệnh (trên cơ sở kết hợp điều tra dịch tễ) và chia sẻ dữ liệu với quốc tế.

Đại biểu tham dự lần này thảo luận những cơ hội để nâng cao năng lực chuyên môn và củng cố vai trò của Việt Nam trong việc chia sẻ dữ liệu trình tự gen SARS-CoV-2. Hội thảo cũng nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa nghiên cứu và chính sách; đồng thời phát hiện và đánh giá các cơ hội tăng cường hợp tác quốc tế trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác.