Mới đây, một bệnh nhân nữ 56 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội nhập viện trong tình trạng hôn mê. Khai thác tiền sử, bệnh nhân bị suy tim, thay van hai lá đã 10 năm, dùng thuốc chống đông không thường xuyên dẫn đến hình thành cục huyết khối trong buồng tim gây nên nên tắc động mạch thân nền (động mạch lớn nhất cấp máu cho não).

Xác định tình trạng bệnh nhân bị đột quỵ trên nền bệnh lý van tim, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng, ngay lập tức bệnh viện đã phối hợp liên khoa Cấp cứu Nội và Chẩn đoán hình ảnh và can thiệp chỉ định thực hiện kỹ thuật can thiệp mạch lấy huyết khối động mạch não số hóa xóa nền bằng dụng cụ cơ học.

“Kỹ thuật can thiệp mạch lấy huyết khối động mạch não số hóa xóa nền bằng dụng cụ cơ học là một kỹ thuật được thực hiện dưới hướng dẫn của máy chụp mạch số hóa nền. Thông qua hướng dẫn này chúng ta có thể thấy hiện hình những mạch máu bị tổn thương để chẩn đoán chính xác bệnh. Qua đó giúp dẫn đường đưa các dụng cụ cơ học có thể là ống hút hoặc là các stent để tiếp cận những chỗ tắc mạch, lấy cục máu đông ra khỏi mạch máu nhằm tái lại lưu thông mạch máu não cho bệnh nhân” - BS Nguyễn Duy Thịnh, khoa Chẩn đoán hình ảnh và can thiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết.

Với kỹ thuật này, bệnh nhân không cần phải gây mê, chỉ cần gây tê tại chỗ ở vùng đùi hoặc cánh tay, sau đó các bác sĩ sẽ đưa dụng cụ qua một vết chọc rất nhỏ, đường kính khoảng 2-3mm ở vùng đùi luồn lên tiếp cận với động mạch não bị tắc, đưa các dụng cụ như ống hút hoặc stent kéo cục máu đông ra khỏi lòng mạch máu để tái lập lại lưu thông mạch máu não bình thường nhằm cung cấp oxy cho tế bào não đã bị tổn thương.

Theo BS Nguyễn Duy Thịnh, kỹ thuật này có ưu việt là cứu tế bào não bị thiếu máu cho bệnh nhân một cách nhanh nhất. Nhờ đó, bệnh nhân có thể phục hồi nhanh, hạn chế các di chứng (sống thực vật, liệt, thất ngôn...).

“Trước đây khi chưa có kỹ thuật này thì bệnh nhân sẽ điều trị bằng các thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch khoẳng 4,5 giờ đầu. Có những hạn chế là mạch máu não ở vị trí mạch máu lớn bị tắc thì cũng sẽ không thể tái thông được. Kỹ thuật này sẽ giúp mở rộng cửa sổ để điều trị hơn. Đặc biệt là kỹ thuật này giúp lấy được cục máu đông trong các mạch máu có kích thước lớn ra khỏi lòng mạch mà trước đây so với kỹ thuật tiêu sợi huyết thì không thể thực hiện được” – BS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định.

Theo thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 ca đột quỵ mới. Trong đó, 80% trường hợp là đột quỵ nhồi máu não, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Với sự phát triển của y học hiện đại, kỹ thuật Chụp và can thiệp mạch lấy huyết khối động mạch não số hóa xóa nền bằng dụng cụ cơ học để điều trị cho bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não là phương pháp ưu việt cứu sống nhiều bệnh nhân, hạn chế để lại những di chứng sau này. Từ năm 2023, các bác sĩ của BV Thanh Nhàn đã có thể tự chủ hoàn toàn làm được kỹ thuật này, chứng minh hiệu quả trong việc làm giảm mức độ nặng của những trường hợp đột quỵ nhồi máu não cấp tính.

Cái khó của kỹ thuật này là nếu chỉ một sơ suất nhỏ có thể làm rách các mạch máu não, gây ra tình trạng xuất huyết não đối với bệnh nhân. Vì vậy, đòi hỏi máy móc, trang thiết bị dụng cụ phải hiện đại, các bác sĩ thực hiện là những người có kinh nghiệm, chuyên môn cao. Tuy nhiên, việc điều trị có đạt hiệu quả hay không vẫn còn phụ thuộc vào thời gian bệnh nhân nhập viện.

“Sự phục hồi phụ thuộc vào thời gian bệnh nhân đến viện sớm, và phụ thuộc cơ địa của bệnh nhân. Bệnh nhân đến càng sớm thì vùng nhu mô não bị tổn thương càng ít, các di chứng để lại ít hơn còn bệnh nhân đến càng muộn thì vùng nhồi máu não càng muộn, tế bào não tổn thương nhiều thì các di chứng càng nhiều hơn” – BS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo.

Đột quỵ nhồi máu não thường xảy ra ở người có bệnh lý nền: Tăng huyết áp, tuổi cao, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường nên để phòng ngừa, bệnh nhân nên khám bác sĩ định kỳ, duy trì việc uống thuốc đều đặn.

Một số dấu hiệu nhận biết sớm bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não là: Khuôn mặt đột nhiên bị méo xệch, mắt sụp mí, cánh tay không giơ lên được đến đầu hoặc giơ lên rồi rơi xuống luôn.