Ông Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết phần mềm tiếp nhận, quản lý, tuyển chọn và điều phối mô tạng hiến được các bệnh viện xây dựng nằm trong đề án nghiên cứu của Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM.

Đây cũng là tâm huyết rất lớn của nhiều chuyên gia đầu ngành về hiến - ghép tạng, trong đó có giáo sư Trần Ngọc Sinh - chủ tịch Hội Niệu thận TP.HCM.

Theo bác sĩ Thức, trước đây việc tiếp nhận, quản lý, điều phối hiến - ghép thận ở các bệnh viện đều được thực hiện bởi con người, điều này không tránh khỏi sai sót, thậm chí không khách quan, minh bạch.

Và thực tế khách quan này cũng khiến nhiều người cảm thấy lo lắng việc tạng hiến có bị mua bán hay không? Hoặc điều phối hiến - ghép tạng có được khách quan?

"Nhưng giờ đây với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, quản lý và điều phối sẽ giúp mã hóa tất cả các thông tin của người chờ và người hiến, do đó dù có muốn người thân quen được ghép sớm cũng không ai có thể can thiệp" - bác sĩ Thức khẳng định.

Cần phát triển tạng hiến từ người cho chết não

Bác sĩ Thái Minh Sâm - trưởng khoa tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết hiện nay nguồn hiến tạng tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, chủ yếu từ người sống chiếm 94,1%, có quan hệ huyết thống; trong khi đó nguồn hiến tạng từ người chết não rất ít, chỉ chiếm 5,9% trong tổng số ca được ghép.

Từ tháng 12-1992 đến hết năm 2021, đã có 1.030 trường hợp ghép thận được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuổi trung bình người hiến là khoảng 50 tuổi và tuổi người nhận là khoảng 33 tuổi.

"Người trẻ sau khi ghép thận sẽ sống như người bình thường, chất lượng sống được cải thiện, tuổi thọ cũng giống như người bình thường và đặc biệt là có thể sinh con" - bác sĩ Sâm chia sẻ.

Theo ông, muốn thực hiện thành công kỹ thuật hiến ghép tạng đòi hỏi phải có các trung tâm đầy đủ các chuyên khoa như tim mạch, nội thận… Đồng thời cần phát triển mạnh hơn nguồn thận hiến từ người hiến chết não nhằm đáp ứng nhu cầu, theo kịp xu thế và phát triển ngành ghép thận tại Việt Nam.