Một em bé 4 tuổi đã chết do thiếu thuốc kháng nọc rắn. Tình trạng thiếu thuốc giải độc diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp độ. Và đáng buồn là bức tranh toàn cảnh về trang thiết bị vật tư y tế cũng không có lấy một gam màu sáng.

28/34 Sở Y tế và 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc. Bao gồm một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.

Ngoài ra còn có 26/34 Sở Y tế và 15/21 Bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất; 14/34 Sở Y tế và 8/21 Bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, các trang thiết bị chuyên sâu…

Không chỉ thuốc hiếm, đến ngay cả nhóm vaccine cơ bản, “bao phủ toàn dân”, như vaccine sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván cũng thiếu hoặc hết. Và Bộ Y tế đang tính “mượn tạm” trong tình trạng “chưa rõ khi nào có vaccine”.

Như vậy, những khó khăn không chỉ “hiện hữu” ở hệ thống bệnh viện công, mà lĩnh vực y tế dự phòng cũng chung tình cảnh này.

Là một chuyên gia phân tích chính sách y tế, TS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và phát triển cộng đồng cho rằng: chuyện thiếu thuốc và vật tư y tế đã ồn ào từ giữa tháng 6. Và đến nay, sau 3 tháng vẫn chưa được giải quyết. Điều này đe dọa đến tình trạng sức khỏe của người dân.

“Bộ Y tế đang lúng túng trong khâu quản lý, lập kế hoạch và giải quyết tình huống thực tế”- TS Trần Tuấn nhấn mạnh.

Với góc nhìn của một chuyên gia phân tích chính sách y tế, ông cho rằng: để xảy ra tình trạng này là do hệ thống y tế công đã bị thương mại hóa, chính yếu tố thương mại hóa làm phức tạp vấn đề.

“Thứ nhất cần phải đánh giá bài toán lợi ích trong vấn đề cung ứng thuốc, sinh phẩm. Thứ hai là phải chỉ ra được mục tiêu chúng ta cần đạt là gì? (đảm bảo lợi ích, đảm bảo chuyên môn cho người cung cấp dịch vụ y tế cũng như là người sử dụng dịch vụ y tế). Và thứ ba là phải đảm bảo được công bằng giữa việc duy trì chất lượng y tế với chi phí hợp lý” – quan điểm của TS Trần Tuấn.

Trong cuộc họp mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo "Cương quyết, dứt khoát không vì thủ tục hành chính, vì vướng mắc quy định, vì thiếu trách nhiệm mà để thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế kéo dài". Thủ tướng cũng nói rằng "ai không làm thì đứng sang một bên". Nhưng sau chỉ đạo đó, mọi việc dường như vẫn đứng yên một chỗ và thiếu thuốc vẫn là thực tế xảy ra hàng ngày tại các bệnh viện.

Bày tỏ về “cái khó” khiến các cơ sở y tế dè dặt, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: "Các bệnh viện đang đứng trước thách thức về giá. Giá công khai trên cổng thông tin của Bộ do doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính pháp lý, chứ chưa có bộ, ngành nào chịu trách nhiệm về tính pháp lý của giá đó…Tôi nghĩ vấn đề này cần có sự phối hợp chịu trách nhiệm liên ngành về giá công bố trên đó, chứ không để cho các doanh nghiệp tự công bố giá. Các doanh nghiệp tự công bố giá, các công ty, các nhà phân phối công bố giá trên đó, họ sẽ bắt tay với nhau và thổi giá lên".

Loại trừ các yếu tố do thị trường khan hiếm vì vấn đề dịch bệnh hay vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng. Nguyên nhân cần xem xét theo TS Trần Tuấn là vấn đề nội bộ của hệ thống y tế công và quản lý hệ thống y tế công trong cung ứng vật tư trang thiết bị và thuốc.

Và đấu thầu tập trung Quốc gia theo ông vẫn là một giải pháp để kiểm soát thị trường cung ứng thuốc, thiết bị sinh phẩm. Tuy nhiên cần lưu ý một số yếu tố sau:

“Thứ nhất phải quy định rõ ràng trách nhiệm của các bên tham gia. Thứ hai, phải cân bằng được lợi ích của các bên trong vấn đề cung ứng thuốc. Thứ ba nữa là phải tạo được một sự cạnh tranh, chính sự cạnh tranh mới khiến giá được kiểm soát . Và thứ tư là không để cho thị trường tư nhân hoàn toàn kiểm soát vì như thế khó mà tránh được tình trạng "thông đồng thổi giá”.

3 tháng qua kể từ sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói đến cuộc “khủng hoảng ngành y tế”; 2 tháng sau khi bà Đào Hồng Lan được giao Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn diễn ra và ngày càng trầm trọng hơn. Vì thế phải sớm có những chiếc áo mới cho quy định mua sắm thuốc, vật tư y tế để bác sĩ có thể tự tin khi chữa bệnh, còn người bệnh thì không còn phải lo tự đi mua thuốc nếu chẳng may phải nằm viện.