Những ngày gần đây, đại dịch Covid-19 bùng phát tại cộng đồng với nhiều diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh thành như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Tĩnh… đã buộc chúng ta phải có những quyết sách và phương cách mới để ngăn chặn, giảm thiểu lây lan dịch bệnh. Trong đó, chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử Việt Nam với mục tiêu tiêm 150 triệu liều văc xin cho khoảng 70% dân số trưởng thành nhằm đạt miễn dịch chống Covid-19 đang vào giai đoạn gấp rút.

Tại một cuộc họp mới đây, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết khoảng 15.000 điểm tiêm chủng có đủ nhân lực, thiết bị sẽ được đưa lên "bản đồ" tiêm chủng với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, cùng Bộ Y tế.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chiến dịch tiêm chủng vắc xin lần này có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại “giặc Covid”.

“Chỉ với việc tiêm chủng thì chúng ta mới phòng chống bệnh truyền nhiễm một cách triệt để và bền vững. Chúng ta cũng đã biết nhờ thực hiện tiêm chủng, nước ta đã thanh toán được bệnh đậu mùa, bệnh bại liệt và một số bệnh khác nữa. Chỉ khi tỷ lệ tiêm chủng của một quốc gia đạt ít nhất 70% dân số thì mới có miễn dịch cộng đồng. Khi đó, chúng ta sẽ không phải thực hiện giãn cách xã hội, mới có thể thực hiện hiệu quả mục tiêu kép” – PGS.TS Trần Đắc Phu chia sẻ.

Để hình thành và hoàn thiện “bản đồ tiêm chủng” vắc xin phòng chống Covid-19, Bộ Y tế cho biết chiến dịch tiêm chủng lần này sẽ triển khai trên quy mô tất cả địa phương, điểm tiêm ở các xã, phường và đặc biệt là triển khai các điểm tiêm lưu động. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai rất tốt công nghệ thông tin vào phòng chống dịch. Hiện Bộ Y tế đã phát triển Sổ sức khỏe điện tử đối với cá nhân. Theo đó, mỗi người dân khi đi tiêm chủng đều đăng ký lịch tiêm trên Sổ sức khỏe điện tử hoặc qua tin nhắn điện thoại. Trên cơ sở đó, hệ thống sẽ chuyển tin nhắn đến người dân thông tin về địa điểm tiêm cũng như thời gian tiêm, tránh phải xếp hàng đợi chờ tiêm. Cùng với đó, cán bộ tiêm chủng cũng sử dụng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý người được tiêm chủng thông qua hệ thống phần mềm do Bộ Y tế phát triển cùng Bộ Thông tin và Truyền thông.

"Sổ sức khỏe điện tử đồng bộ hóa cả kết quả tiêm chủng và thông tin về xét nghiệm. Đây chính là cơ sở dữ liệu để tiến tới áp dụng hộ chiếu vaccine. Tôi tin rằng với sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành cũng như các cấp chính quyền địa phương, chúng ta sẽ đảm bảo tiến độ" - PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Điểm khác biệt của chương trình tiêm chủng ở nước ta với các nước là tiến hành sàng lọc kỹ tất cả đối tượng tiêm. Nếu đối tượng tiêm không đảm bảo yêu cầu về sức khỏe thì sẽ được các điểm tiêm trì hoãn tiêm. Bởi, quan điểm và nguyên tắc được Bộ Y tế đưa ra là “tiêm đến đâu an toàn đến đó”.

Tuy nhiên, thực tế là sau một số sự việc đáng tiếc về tác dụng phụ có biến chứng nặng của một số trường hợp, đặc biệt là sau vụ việc hơn 50 nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM mắc Covid-19 sau khi đã tiêm vaccine khiến không ít người dân vẫn còn lo ngại không dám tiếp cận với vắc xin. Trước băn khoăn này, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng: “Tất nhiên, bất kỳ một loại vaccine nào cũng có những biến chứng từ nhẹ đến nặng. Thông thường đối với vaccine phải có thời gian thử nghiệm trong vòng khoảng 4 năm, đối với vaccine phòng ngừa Covid-19 đều là những vaccine cấp phép trong điều kiện khẩn cấp, mới trong vòng hơn 1 năm nay nên có những tỷ lệ biến chứng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tỷ lệ rủi ro không cao và nếu tiêm thì chắc chắn giảm triệu chứng và giảm nguy cơ tử vong nếu không may bị mắc bệnh”.

Thực hiện chiến dịch tiêm chủng, các cơ sở tiêm chủng phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực, thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Người đi tiêm vaccine phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khỏe, được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm.

“Bản đồ tiêm chủng Covid-19” có ý nghĩa rất quan trọng trong phòng chống dịch. Bộ Y tế cho biết, bản đồ này được công khai với toàn dân về quy trình tiêm chủng, số liều vaccine đã sử dụng, số người được tiêm chủng. “Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả mà mỗi chúng ta vẫn không được phép lơ là nguyên tắc 5K” – PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định.

Một khẩu hiệu vẫn chưa cũ xin một lần nữa được nhắc lại đó là “Chống dịch như chống giặc”. Việc cần làm của mỗi chúng ta là tiêm chủng vaccine và tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K. Đó là những “lá chắn” hữu hiệu bảo vệ chúng ta an toàn trước sự tấn công của “giặc Covid-19”.

Mời các bạn nghe âm thanh tại đây: