Đến thời điểm này, Học viện Quân Y đã hoàn thành tiêm thử nghiệm vắc xin Nanocox liều 25mcg, 50mcg và 75mcg mũi 1. Các tình nguyện viên đều có sức khỏe ổn định. Một số có phản ứng đau tại vị trí tiêm và sốt nhẹ nhưng đều hết sau 24 giờ.

Để đảm bảo tính an toàn cho tình nguyên viên, các đối tượng tham gia thử nghiệm theo thiết kế dò liều tăng dần. Mỗi nhóm liều sẽ tiêm 3 mũi, cách nhau 28 ngày. Mục đích của giai đoạn 1 là xác định liều tối ưu. Khả năng bảo vệ và tính sinh miễn dịch sẽ được theo dõi trong giai đoạn 2

Với những thử nghiệm lâm sàng khác, người tình nguyện sẽ được bảo hiểm chi trả. Tuy nhiên đây là vắc xin Covid và Việt Nam không nằm trong 20 Trung tâm thử nghiệm lâm sàng của Thế giới nên không được bảo hiểm chấp thuận. Nhưng Nanogen đã đạt được thỏa thuận của bảo hiểm: trích ký quỹ ngân hàng, block phong tỏa tài khoản 20 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này sẽ được dùng để chi trả nếu có bất kỳ sự cố nào xảy ra.

Ngoài ra nhằm đảm bảo an toàn cho những tình nguyện viên, Học viện Quân Y đã thành lập 10 tổ chuyên môn gồm rất nhiều chuyên gia để giám sát về y tế, sắn sàng ứng phó trong tình huống khẩn cấp.

PGS.TS Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân Y cho biết, đến nay thử nghiệm giai đoạn 1 đã hoàn tất 50%.

Sang giai đoạn 2, tiêu chí cho tình nguyện viên sẽ mở rộng hơn. Dự kiến giai đoạn 2 thử nghiệm trên 560 người, độ tuổi từ 12-17, bắt đầu từ tháng 2 tới để đánh giá tính sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ của vắc xin.

Ngoài Học viện Quân y, giai đoạn 2 sẽ có thêm Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tham gia.

Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu khi giai đoạn 2 đi được nửa chặng đường. Theo dự kiến, giai đoạn 3 sẽ mở rộng trên quy mô 10.000 – 30.000 người, gồm các tình nguyện viên ngoài Việt Nam tại một nước lưu hành dịch ngoài cộng đồng.