Chiều 30/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết công tác ngoại giao vaccine tại trụ sở Văn phòng Chính phủ và trực tuyến tới trụ sở UBND một số tỉnh, thành phố cùng các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Cách đây hơn 1 năm, ngày 11/10/2021, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Nghị quyết 30 của Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, chuyển trạng thái từ "zero COVID", phòng chống dịch bằng các biện pháp hành chính sang phòng chống dịch bằng các biện pháp chuyên môn, nhất là vaccine. Thực tế đã chứng minh, việc chuyển hướng này là đúng đắn và kịp thời, kinh tế từ tăng trưởng âm hơn 6% trong quý III năm 2021 đã đạt tăng trưởng dương ở quý tiếp theo và quý sau cao hơn quý trước, dịch bệnh được kiểm soát.

Trước khi ban hành Nghị quyết 128, chúng ta đã ban hành và thực hiện Chiến lược vaccine với 3 nội dung chính: Thành lập Quỹ Vaccine; triển khai ngoại giao vaccine với việc thành lập tổ ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm Tổ trưởng, Bộ Ngoại giao là nòng cốt; tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí cho người dân với quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Chúng ta đã thực hiện thành công Chiến lược Vaccine trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, tiếp cận vaccine rất khó khăn.

Hội nghị nhằm nhìn lại những việc đã làm được cũng như chưa làm được thời gian qua, xác định nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm quý để không chỉ áp dụng cho công tác ngoại giao vaccine mà tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực ngoại giao kinh tế, triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, nhằm tận dụng và phát huy hiệu quả mọi cơ hội, tiềm lực và các công cụ phục vụ phục hồi nhanh và phát triển bền vững...

Thành công của công tác ngoại giao vaccine có ý nghĩa chiến lược về nhiều mặt. "Có thể khẳng định, chiến dịch ngoại giao vaccine đã hết sức thành công, cùng với chiến dịch tiêm chủng đã giúp "xoay chuyển tình thế", đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia "đi sau về trước" trong triển khai tiêm chủng vaccine, một trong những quốc gia quyết định chuyển chiến lược từ ứng phó sang chủ động thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh sớm nhất ở khu vực. Từ một nước có tỷ lệ tiêm nằm trong số các nước thấp nhất khu vực, Việt Nam đã trở thành nước có số lượng tiêm, tốc độ tiêm và tỉ lệ bao phủ vaccine cao hàng đầu thế giới"- Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ 6 nguyên nhân và 6 bài học kinh nghiệm trong thực hiện ngoại giao vaccine.

Thủ tướng cũng nêu rõ, Tổ chức Y tế Thế giới dự báo đại dịch chưa kết thúc và tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, virus có thể tiếp tục biến đổi và hiệu lực miễn dịch của vaccine suy giảm theo thời gian, khoảng một nửa dân số thế giới chưa được tiêm vaccine. Chúng ta không thể lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tiếp tục nỗ lực chống dịch, ưu tiên kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh khác.

Do đó, chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy ngoại giao vaccine; chuẩn bị kinh phí để tiếp tục mua vaccine và việc mua được vaccine cũng là nhờ ngoại giao vaccine.

Cùng với đó, phải tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, nhất là cho các đối tượng nguy cơ cao, các em học sinh và các đối tượng theo quy định của Bộ Y tế một cách an toàn, khoa học, hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao để làm chủ công nghệ sản xuất vaccine.

Tính đến tháng 9/2022, Việt Nam đã nhận tổng số hơn 258 triệu liều vaccine, trong đó nguồn viện trợ đạt gần 120 triệu liều, chiếm gần 50% số vaccine tiếp nhận được, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 900 triệu USD (tương đương gần 23.000 tỷ đồng).

Về thiết bị y tế, hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã hỗ trợ thiết bị y tế với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD (tương đương gần 2.000 tỉ đồng).