Hơn 8h đêm, tại Bệnh viện dã chiến số 16, Tạ Văn Thành – Điều dưỡng khoa Nhi và Nguyễn Thị Huệ - Trung tâm thần kinh (Bệnh viện Bạch Mai) bước ra từ khu Trung tâm hồi sức tích cực. Cẩn thận cởi đồ bảo hộ, những vết khẩu trang hằn sâu trên khuôn mặt của 2 người. Bàn tay phồng lên, nhăn nhúm vì bị ngâm trong mồ hôi quá lâu. Họ nắm tay nhau rảo bước về nơi lưu trú. Ở đây ai cũng biết họ là vợ chồng son.

Cuộc lên đường chớp nhoáng

Nhận được lời hiệu triệu chi viện cho TP. HCM của Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai, không nghĩ nhiều, Thành và Huệ nhắn tin xung phong vào tâm dịch. Đó là cuộc lên đường chớp nhoáng.

“Mình biết thông tin đi TP. HCM từ chiều thì tối về vợ cũng có thông báo của khoa. Tối mới lên danh sách, sáng sớm đã phải tập trung để lên đường. Lúc này, cũng muộn rồi, gia đình 2 bên đã đi ngủ hết, 2 vợ chồng chỉ kịp sắp xếp đồ đạc chứ chưa thể gọi điện về báo tin”.

Huệ kể, vào Sài Gòn tụi mình mới gọi điện về cho bố mẹ, cả nhà nhìn nhau qua màn hình điện thoại rưng rưng nước mắt. Ban đầu, bố mẹ lo lắng nhưng rồi lại trấn an các con giữ gìn sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ, sớm trở về với gia đình, mọi chuyện đã có anh chị gánh vác.

“Có người biết tin cả hai vợ chồng cùng xông pha tuyến đầu khuyên 2 vợ chồng rằng, quy định của Bệnh viện nếu gia đình có 2 vợ chồng thì một người đi chuyến trước, người còn lại có thể lui lại đi sau nhưng vợ chồng mình chưa có con nhỏ nên đã quyết định đăng ký đi cùng nhau".

Ở miền Nam, đồng nghiệp của Thành và Huệ mỗi ngày đều vắt kiệt sức để chăm sóc bệnh nhân nặng, không có lý gì để một trong 2 người trì hoãn lúc này, Thành quả quyết.

Điều đắn đo nhất trước khi lên đường chỉ là bố Thành sức khỏe vẫn còn yếu sau 2 lần mổ khớp háng. Trong khi đó, “đồng chí” vợ cùng xông pha vào tuyến lửa lần này cũng mới mổ cách đây 3 tháng. “Hơn nữa, con gái vào trong này công việc nặng, vất vả, nắng nôi, mệt quá sợ không chịu được”.

Tạ Văn Thành (sinh năm 1989) và Nguyễn Thị Huệ (1996) công tác cùng Bệnh viện Bạch Mai. Cái duyên đưa họ đến với nhau qua người dì thân thiết. “Dì vợ em làm cùng Khoa Nhi với em, cũng muốn giới thiệu em cho Huệ. Một hôm vợ em sang Khoa Nhi thì dì gọi ra trêu “Thành ơi, Huệ này!, lúc đấy mọi người trêu, ngại, chỉ biết cười rồi đi".

Mãi về sau đợt dịch cách ly toàn Bệnh viện Bạch Mai chúng em mới nhắn tin, gọi điện hỏi thăm nhau, rồi cuối cùng yêu nhau từ khi nào không biết”, Thành kể về mối duyên với vợ.

Lấy nhau từ tháng 11/2020, Thành từng tham gia chống dịch ngoài Bắc. Thế nhưng, đây có lẽ là chuyến công tác đặc biệt, 2 vợ chồng cùng 1 trận địa khốc liệt nhất.

Trong ICU họ nhận ra nhau qua ánh mắt

Mặc dù trước khi lên đường, cả 2 vợ chồng đều đã hình dung ra phần nào sự căng thẳng trong cuộc chiến với “kẻ thù vô hình” song những ngày đầu tiên trong Khu hồi sức tích cực, cảm giác đầu tiên vẫn là “sốc”.

Giữa cái nắng nóng của thời tiết Sài Gòn, trong bộ đồ bảo hộ cấp 4, chỉ mặc sau 1-2 phút đã có cảm giác ngột ngạt, bức thở. Làm việc liên tục trong 6-8 tiếng đồng hồ không ăn, không uống đã quen dần với đôi vợ chồng trẻ. Ở đây, chỉ 1 phút bất cẩn, nhân viên y tế có thể trả giá.

ICU - nơi không có ngày và đêm, chỉ có tiếng “tít tít” của máy thở, không gian như thách thức thần kinh. Nhưng, ám ảnh nhất vẫn là mỗi lần tiếng bộ đàm “rít” lên thông báo về một ca tử vong. “Nhìn bệnh nhân nặng, không làm cách nào cứu chữa được, cảm giác bất lực. Mình đi chống dịch rồi nhưng chưa bao giờ trải qua cảm giác nặng nề như trong này. Có bệnh nhân mình đã cố gắng chăm sóc từ thở máy, HFNC, thở oxy, cai oxy rồi nhưng sau đó lại phải đặt ống lại. Những ca như vậy mình cảm thấy rất buồn lắm, mình đã cố gắng hết sức” - Thành kể giọng nhỏ dần.

Để cuộc trò chuyện không bị đứt quãng, Huệ tiếp lời chồng “Em chưa bao giờ trải qua những đợt như thế này cả. Những hôm đầu vào đây, thấy người ta nhiễm nhiều thương quá. Nhiều bệnh nhân còn quá trẻ".

Ở đây, Thành và Huệ được sắp xếp làm cùng ca, ở cùng chỗ nhưng làm việc tại 2 buồng khác nhau. Với guồng quay liên tục trong ICU, mỗi người một việc nên hầu như chẳng thể trò chuyện cùng nhau.

Trong này mặc đồ bảo hộ kín mít rồi nên chỉ nhận ra nhau qua ánh mắt. Hình dáng, ánh mắt thân thuộc nên khi lướt qua nhau mình cũng có thể cảm nhận được đó là vợ mình”, Thành chia sẻ.

Chưa hẹn ngày về

Lúc vào ca, khối lượng công việc lớn, các nhân viên y tế trong ICU hầu như quên đi cái mệt mỏi. Chỉ đến lúc tan ca, họ mới cảm nhận được sự rã rời của cơ thể. Thế nhưng, nản thì “không”, Thành nói “cuộc chiến này còn lâu dài”.

Gần 9h đêm, kết thúc ca làm việc buổi chiều, trong khi đợi chuyến xe chở đội ngũ nhân viên y tế trở về nơi lưu trú, 2 vợ chồng tranh thủ gọi điện về cho gia đình.

“-Tụi con đang nghỉ giải lao một chút rồi về!

-Mẹ ở nhà dạo này có khỏe không?

Tiếng mẹ ở đầu dây bên kia:

-Giữ gìn sức khỏe để làm việc nhá, ở nhà có bố lo sức khỏe cho mẹ rồi, không phải lo nhá!”

Trong mỗi cuộc điện thoại câu hỏi “Bao giờ con về? Bao giờ em về?" cũng được lặp lại nhiều nhất. Lúc đó Thành chỉ trả lời “Khi nào dịch ổn hoặc bệnh viện có quyết định rút quân thì về”.

Nhắc đến gia đình, Huệ bật khóc, từ đợt đi lấy chồng rồi hết đợt dịch này chồng đợt dịch khác, đã 3-4 tháng rồi em chưa về thăm nhà.

“Bây giờ, thèm nhất là được về ăn với gia đình một bữa cơm, đã lâu lắm rồi em chưa biết đến mùi vị cơm nhà!".