Báo cáo của Liên đoàn Béo phì Thế giới cho thấy tỷ lệ béo phì đang gia tăng đặc biệt nhanh chóng ở trẻ em và tại các nước thu nhập thấp, có thể tăng gấp đôi so với năm 2020, lên 208 triệu bé trai và 175 triệu bé gái vào năm 2035. Chi phí xã hội sẽ cao hơn do tình trạng sức khỏe liên quan đến thừa cân. Thế giới dự kiến phải chi trả 4 nghìn tỷ USD hàng năm kể từ 2035 để giải quyết các hệ lụy, tương đương 3% GDP toàn cầu. Bà Louise Baur, Chủ tịch Liên đoàn Béo phì Thế giới cho rằng, con số này là hồi chuông cảnh báo đối với các nước.

Báo cáo sử dụng chỉ số khối cơ thể (BMI) để đánh giá tình trạng béo phì của con người. BMI được tính bằng cách lấy cân nặng chia cho bình phương chiều cao. Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ số BMI trên 25 là thừa cân, trên 30 là béo phì.

Báo cáo cũng cho thấy hầu hết quốc gia ghi nhận tình trạng béo phì nghiêm trọng nhất trong những năm tới thuộc nhóm có thu nhập thấp hoặc trung bình ở châu Á và châu Phi.

Liên đoàn Béo phì Thế giới dự đoán 51% dân số toàn cầu, tương đương 4 tỷ người, sẽ bị thừa cân trong vòng 12 năm tới.

Theo WHO, nguyên nhân cơ bản của béo phì và thừa cân là mất cân bằng năng lượng, giữa lượng calo tiêu thụ và tiêu hao. Tại nhiều quốc gia, người dân có thói quen ăn các loại thực phẩm giàu năng lượng, nhiều đường, lối sống ít vận động do tính chất công việc, thay đổi phương thức di chuyển và gia tăng đô thị hóa.