Thai phụ bị xoắn u buồng trứng được cấp cứu thành công

Mới đây, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã phẫu thuật nội soi thành công cho thai phụ 23 tuổi, thai 24 tuần, bị xoắn u buồng trứng – một tình huống đặc biệt hiếm gặp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ với cả thai phụ và thai nhi.

Thai phụ là chị Diễm Quỳnh - mang thai lần 2, có tiền sử phát hiện khối u buồng trứng từ trước khi mang thai. Trong suốt giai đoạn đầu thai kỳ, sức khỏe ổn định, thai phát triển bình thường. Tuy nhiên, đến tuần thai thứ 24, bệnh nhân xuất hiện đau bụng dữ dội vùng trên rốn và được chuyển đến Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.

Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành khám, siêu âm, xét nghiệm kết hợp hội chẩn với Ban Giám đốc bệnh viện để loại trừ các nguyên nhân đau bụng cấp khác như dọa sinh non, viêm ruột thừa hay bệnh lý nội khoa. Kết quả hội chẩn cho thấy khối u buồng trứng xoắn là nguyên nhân gây ra tình trạng đau cấp tính, đe dọa trực tiếp sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

Theo PGS.TS Lê Thị Anh Đào – Trưởng khoa Phụ Ngoại A5 người trực tiếp phẫu thuật cho chị Diễm Quỳnh, đây là trường hợp có nhiều yếu tố đặc biệt, gây khó khăn cho việc phẫu thuật. Đó là thai đã to, tử cung lớn vượt rốn, chiếm phần lớn ổ bụng trong khi khối u buồng trứng bị đẩy cao lên sát góc gan, vị trí khó tiếp cận khi phẫu thuật. Yêu cầu vừa xử lý triệt để khối u, vừa không gây cơn co tử cung, không ảnh hưởng chức năng buồng trứng còn lại. Để loại bỏ khối u buồng trứng và đảm bảo an toàn cho thai phụ, các bác sĩ quyết định lựa chọn phẫu thuật nội soi.

Ca phẫu thuật thành công, các bác sĩ đã bóc tách khối u buồng trứng xoắn kích thước 6x8 cm. Hiện nay, sức khỏe của chị Diễm Quỳnh đã hồi phục hoàn toàn, thai nhi cũng phát triển bình thường:

Việc xử lý thành công một ca phẫu thuật nội soi trên thai phụ 24 tuần, u buồng trứng xoắn phức tạp, tiếp cận khó khăn đã khẳng định trình độ chuyên môn, năng lực xử lý tình huống linh hoạt và tay nghề phẫu thuật cao của đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.

Cách theo dõi và xử trí u buồng trứng khi mang thai

PGS.TS Lê Thị Anh Đào cho biết, u nang buồng trứng là tình trạng bên trong buồng trứng xuất hiện khối u. Đây là bệnh phụ khoa thường gặp, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. U nang buồng trứng được chia thành 2 dạng: u nang cơ năng và u nang thực thể.

“U nang cơ năng là khối u hình thành do rối loạn hoạt động nội tiết trong quá trình thai nghén. Loại u nang này còn được gọi là nang hoàng thể, thường lành tính và tồn tại trong vòng 3 tháng đầu của thai kỳ. Sau tháng thứ ba, khối u sẽ tự thu nhỏ và biến mất mà không cần phải can thiệp nếu như không xảy các biến cố như vỡ nang hoàng thể hoặc xoắn nang hoàng thể. Còn u nang thực thể thường xuất hiện mà không xác định nguyên nhân cụ thể nào. Với các u nang thực thể, điều quan trọng nhất là phải xác định kỹ có nguy cơ ung thư hóa hay không? Nếu như không có nguy cơ ung thư thì chúng ta có thể theo dõi. Tuy nhiên, khoảng dưới 10% các khối u thực thể có nguy cơ ung thư. Với những trường hợp này, việc đầu tiên cần làm là can thiệp sớm cắt bỏ khối u, thậm chí phải cắ bỏ buồng trứng và việc ưu tiên tính mạng của người mẹ được đặt lên trên hết” – PGS -TS Lê Thị Anh Đào cho biết.

Do đó, khi được phát hiện có u nang buồng trứng trong quá trình mang thai, người mẹ nên đi khám thai thường xuyên để được theo dõi sự phát triển của khối u. Tùy theo hình thái, bản chất cũng như kích thước của khối u, các bác sĩ sẽ lựa chọn thời điểm và biện pháp can thiệp phù hợp, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

“U nang buồng trứng ban đầu có thể nhỏ và lành tính, nhưng có thể tăng dần kích thước trong suốt thai kỳ. Nếu không được phát hiện sớm và can thiệp, khối u có thể gây các biến chứng nguy hiểm cho cả thai phụ và thai nhi như chèn ép sự phát triển của thai nhi, u xoắn, u vỡ trong ổ bụng… Trong trường hợp, thai phụ thấy đau bụng thì cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Do đó, chúng tôi rất mong trước khi mang thai, chị em nên đi kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm các bệnh lý như viêm nhiễm phụ khoa, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung…để điều trị dứt điểm, tránh trường hợp khi mang thai rồi mới phát hiện ra khối u và bị động trong việc xử trí”- PGS. TS Lê Thị Anh Đào khuyến cáo.

PGS.TS Lê Thị Anh Đào cho biết thêm, với các thai phụ có u nang thực thể có thể được chỉ định phẫu thuật sau tuần thứ 12 của thai kỳ. Tùy lứa tuổi, kích thước, hình thái khối u, mà bác sĩ lựa chọn phương pháp phù hợp, có thể phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối u và buồng trứng, hoặc chỉ bóc tách khối u lành khỏi buồng trứng. Hiện nay, phẫu thuật nội soi cắt u nang buồng trứng sẽ giúp thai phụ ít đau, giảm thời gian nằm viện, thời gian phục hồi nhanh, không ảnh hưởng tới tử cung cũng như thai nhi trong bụng mẹ, đảm bảo tiếp tục thai kỳ an toàn sau can thiệp ngoại khoa.