Trong giai đoạn đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, Học viện Quân y sẽ tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax cho 1.000 người trong số 6.500 người tình nguyện tham gia.

Theo Học viện Quân Y, trong giai đoạn 1 và 2 của nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax, 100% người tiêm sinh miễn dịch, được bảo vệ trước tấn công của virus SARS-CoV-2.

Vắc xin Nano Covax là 1 trong 4 vắc xin phòng COVID-19 được phát triển trong nước từ giữa 2020, đến nay đây là vắc xin có tiến độ nghiên cứu nhanh nhất.

Trong giai đoạn 3, vắc xin Nano Covax sẽ thử nghiệm tại nhiều trung tâm trong nước, với khoảng 13.000 tình nguyện viên.

Tại miền Bắc, vắc xin sẽ thử nghiệm lâm sàng tại Học viện Quân y và Hưng Yên, phía Nam có Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và Long An tham gia.

Vắc xin phòng COVID-19 Nano Covax được Công ty Nanogen phát triển từ tháng 5/2020 dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp. Đây là công nghệ sản xuất vắc xin mà Nanogen đã ứng dụng trên nhiều sản phẩm trước đó

Đến nay, vắc xin Nano Covax đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 18/12/2020; giai đoạn 2 từ ngày 26/2/2021.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm vắc xin COVID-19 Nano Covax để có thể sớm sản xuất trong nước

Tại buổi làm việc mới đây với Học viện Quân y, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Học viện Quân y phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương đẩy nhanh triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc xin Nano Covax, phấn đấu có kết quả sớm để có thể sản xuất vắc xin trong nước, phòng bệnh cho cộng đồng, bảo đảm vắc xin có chất lượng cao, sản xuất hàng loạt, giá rẻ để có thể cạnh tranh với các sản phẩm khác "nếu không sẽ mất cơ hội".

Tuy nhiên, vắc xin cần đáp ứng vượt trội về thời gian sinh kháng thể, giảm thiểu tác dụng phụ, nhất là với những người có bệnh nền, thể trạng yếu. "Đặc biệt vắc xin cần có khả năng đề kháng, thích ứng với những biến thể mới của virus gây COVID-19"- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.