Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 1.067.391 thí sinh đăng ký dự thi trên hệ thống (năm 2023 là 1.024.063). Trong đó, số thí sinh tự do đăng ký dự thi là 45.344 (năm 2023 là 37.841).
Các tỉnh, thành phố có số thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất gồm: Hà Nội: 109.078 thí sinh. TP.HCM: 88.196 thí sinh; Thanh Hóa là: 38.677 thí sinh.
Các tỉnh có số thí sinh đăng ký dự thi ít nhất gồm: Kon Tum: 5.052 thí sinh; Lai Châu: 4.211 thí sinh; Bắc Kạn: 3.180 thí sinh.
Bộ GD-ĐT đánh giá, trong thời gian đăng ký dự thi trực tuyến, hệ thống quản lý thi của Bộ hoạt động ổn định, bảo đảm cho các thí sinh đăng ký dự thi thuận lợi, thành công.
Trước đó, để triển khai công tác đăng ký dự thi đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả, cung cấp thông tin dữ liệu chính xác phục vụ tổ chức thi và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tập huấn và quán triệt Quy chế thi và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi cho các sở GD-ĐT.
Từ ngày 24-28/4, Bộ GD-ĐT đã mở cổng đăng ký thử trực tuyến kỳ thi tốt nghiệp THPT theo đúng quy trình và có khoảng 650.000 thí sinh đăng ký thử dự thi trên hệ thống.
Sau khi kết thúc thời gian đăng ký dự thi, Bộ GD- lưu ý, các sở GD-ĐT và các trường nơi thí sinh đăng ký dự thi thực hiện rà soát, kiểm tra, chỉnh sửa thông tin của thí sinh (nếu có) từ ngày 11-17/5.
Các đơn vị in danh sách thí sinh đã đăng ký trực tuyến, kiểm tra lần cuối và cho thí sinh ký xác nhận thông tin đăng ký dự thi trên phiếu và danh sách, hoàn thành chậm nhất ngày 20/5. Đồng thời, các đơn vị tiếp tục kiểm tra và kiểm tra chéo thông tin thí sinh, kết thúc chậm nhất 23/5.
Đối với thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT, đại diện Cục quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) lưu ý, các em kiểm tra lại thông tin trước khi ký xác nhận vào phiếu và danh sách để kết thúc việc đăng ký.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra vào các ngày 27 và 28/6. Trước đó ngày 26/6, thí sinh có mặt tại các điểm thi để làm thủ tục dự thi và nghe phổ biến quy chế thi.
Thí sinh học lớp 12 chương trình THPT năm nay sẽ dự thi 4 bài thi để xét tốt nghiệp gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 trong 2 bài thi tổ hợp là Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên.
Thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên sẽ dự thi 3 bài bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và 1 trong 2 bài thi tổ hợp để xét tốt nghiệp. Tuy nhiên thí sinh học giáo dục thường xuyên có thể đăng ký thi Ngoại ngữ để xét tuyển đại học nếu có nhu cầu.
Năm 2024, Bộ GD-ĐT vẫn miễn thi môn Ngoại ngữ dùng để xét tốt nghiệp THPT (được tính điểm 10) với thí sinh có chứng chỉ năng lực ngoại ngữ hợp lệ theo quy định của Bộ GD-ĐT.