Tỉ lệ phản ứng nặng rất thấp

Theo TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, không chỉ vaccine ngừa Covid-19, tất cả các loại vaccine đều có thể gây ra những phản ứng nhẹ sau tiêm như: sưng đau tại vị trí tiêm hoặc cảm giác chóng mặt, mệt mỏi, sốt nhẹ, buồn ngủ…Đó là những phản ứng rất thông thường của cơ thể bởi vì đấy là bản chất của quá trình kích thích miễn dịch. Quá trình này sẽ giúp sinh ra kháng thể đặc hiệu phòng chống bệnh tật. Do cơ địa nên một số người có thể gặp các triệu chứng nặng như sốt cao, phản ứng phản vệ, song tỉ lệ này rất thấp.

Với vaccine phòng Covid-19 đang được triển khai tiêm ở nước ta, TS Phạm Quang Thái cho biết, trước khi tổ chức chiến dịch tiêm chủng này, các nhà khoa học trong nước đã khảo sát rất kỹ những thông tin về phản ứng phụ của vaccine từ phía nhà sản xuất. Đồng thời, trong thời gian qua, Chương trình tiêm chủng luôn chủ động giám sát, ghi nhận thông tin về các trường hợp gặp phản ứng bất lợi sau tiêm.“Chúng tôi thấy rằng là tỉ lệ gặp phản ứng phụ sau tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở mức tương đương, thậm chí là còn thấp hơn một chút so với các quốc gia khác và so với khuyến cáo của hãng sản xuất. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng những ghi nhận này còn phụ thuộc rất nhiều vào cái cách mà chúng ta giám sát cũng như là chất lượng giám sát nữa”. TS Phạm Quang Thái nói.

Các mức độ của phản ứng phản vệ sau tiêm vaccine

Theo TS Phạm Quang Thái, phản vệ là một phản ứng dị ứng của cơ thể với các yếu tố lạ, không chỉ vaccine mà còn bao gồm cả cả thức ăn, thuốc hoặc nọc độc của côn trùng… Phản vệ có thể xuất hiện sớm trong vòng vài giây, vài phút nhưng cũng có khi sau vài giờ, thậm chí muộn hơn kể từ khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên.

Người ta chia phản vệ thành 4 mức độ:

* Mức độ I: người tiêm xuất hiện các biểu hiện như dị ứng thông thường trên da và niêm mạc như nổi mày đay, ngứa, phù mạch.

* Mức độ II: Ngoài các biểu hiện nổi mày đay, phù mạch thì còn xuất hiện các triệu chứng khác như: khó thở, thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi; đau bụng, nôn, tiêu chảy; huyết áp có thể tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.

* Mức độ III: biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn gồm: khó thở, đau bụng, nôn, tiêu chảy, đại tiểu tiện không tự chủ, rối loạn ý thức, tụt huyết áp.

* Mức độ IV: với biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.

TS Phạm Quang Thái cho biết, khi xuất hiện phản ứng phản vệ, dù với triệu chứng nhẹ, song nếu không có biện pháp xử lý can thiệp thì sẽ diễn tiến sang mức độ nặng hơn. “Diễn tiến này được gọi là vòng xoáy bệnh lý. Tức là khi đang ở độ 1 mà chúng ta không có xử lý can thiệp gì thì nó sẽ chuyển sang độ 2, độ 3 và nếu mà vẫn tiếp tục không xử trí thì nó sẽ đến độ 4. Cuối cùng là ngừng tim ngừng tuần hoàn thì rất khó xử lý. Do đó, điều quan trọng là phát hiện và xử lý sớm những trường hợp gặp phản ứng phản vệ sau tiêm vacccine”. TS Phạm Quang Thái nhấn mạnh.

Hiện nay các cơ sở y tế đều theo dõi tại chỗ 30 phút sau tiêm và yêu cầu người được tiêm theo dõi tại nhà trong 1-2 ngày sau tiêm. Trong thời gian theo dõi tại cơ sỏ y tế sau tiêm, nếu phát hiện người được tiêm có biểu hiện mệt mỏi hoặc có bất thường về tri giác thì nhân viên y tế cần nghĩ ngay đến khả năng xảy ra phản ứng phụ sau tiêm và cần xử lý sớm. “Khi xử lý các phản ứng phản vệ nguyên tắc là càng sớm càng tốt và thà xử lý thừa còn hơn là bỏ sót hoặc để muộn. Nếu chúng ta nghĩ đến phản vệ, chỉ cần y tá hay điều dưỡng thôi thì cũng có thể tiêm một ống Adrenaline cho bệnh nhân, không cần chờ kết luận lâm sàng là sốc phản vệ. Nếu chúng ta xử lý sớm sẽ cắt đứt được vòng xoáy bệnh lý và bệnh nhân sẽ ổn.” TS Phạm Quang Thái hướng dẫn.

TS Phạm Quang Thái cũng khuyến cáo, với người được tiêm vaccine Covid-19, trong quá trình theo dõi tại nhà nên có người thân ở bên cạnh, ít nhất trong vòng 48 tiếng sau tiêm. Trong quá trình sinh miễn dịch, vaccine sẽ tiêu thụ khá nhiều năng lượng của cơ thể. Vì vậy, việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ sau tiêm chủng hết sức quan trọng. Khi có biểu hiện sốt nhẹ, đau mỏi cơ, có thể dùng thuốc paracetamol để hạ sốt. Tuyệt đối không đắp lá hoặc bất cứ loại thuốc nào lên vết tiêm. Nếu thấy sốt kéo dài, có cảm giác rét run hay bất cứ vấn đề gì bất thường về sức khỏe cần thông báo ngay cho cơ sở y tế hoặc đội cấp cứu lưu động để được cấp cứu và xử trí kịp thời.

Theo báo cáo của Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, trong số các trường hợp gặp phản ứng sau tiêm ngừa COVID-19 thời gian qua, tỉ lệ gặp phản ứng thông thường là 26%; có khoảng 0,7% là phản ứng phản vệ. Trong các trường hợp phản ứng phản vệ (độ 2 và 3), chỉ có 1 người phản ứng độ 3, còn lại là độ 2.