Phẫu thuật khẩn cấp đặt máy tạo nhịp cứu sống em bé 40 ngày tuổi
Trong quá trình mang thai ở tuần thứ 28, khi đi khám sàng lọc trước sinh, vợ chồng chị Hà Thị Hương và anh Phạm Văn Phương ở huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã được bác sĩ thông báo thai nhi mắc bệnh tim bẩm sinh. Bé Minh Phương chào đời trong tình trạng nhẹ cân, tím tái, hơi thở thoi thóp. Các bác sĩ khuyên gia đình đưa con lên Hà Nội điều trị nhưng do không có điều kiện nên vợ chồng chị Hương đành ôm con về nhà với suy nghĩ con sống được ngày nào hay ngày ấy. Cuối tháng 8 vừa qua, khi nghe tin đoàn bác sĩ của Bệnh viện E về Bệnh viện đa khoa huyện Ngọc Lặc khám sàng lọc bệnh tim cho trẻ, vợ chồng anh đã ôm con vượt 70 cây số với hi vọng con sẽ được cứu chữa.
Bác sĩ Nguyễn Bá Phong – Phó trưởng Khoa Phẫu thuật tim trẻ em, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E cho biết, nếu như nhịp tim bình thường của trẻ sơ sinh là khoảng 140 lần/ phút thì nhịp tim của bé Minh Anh (40 ngày tuổi) chỉ đạt khoảng 40 lần/ phút. Bé đã bị suy tim rất nặng, đồng thời còn có dị tật thông liên nhĩ, nguy cơ tử vong cao. Nhận định bệnh nhi đang trong tình trạng tối cấp cứu cần được đặt máy tạo nhịp càng sớm càng tốt, các bác sĩ của Bệnh viện E đã đưa gia đình bé cùng về Hà Nội để tiến hành ca can thiệp.
Tuy nhiên, việc can thiệp, đặt máy tạo nhịp cho bé đặt ra nhiều thách thức đối với các bác sĩ: “Thứ nhất là cháu bé nhẹ cân, chỉ nặng 3,2 kg, suy dinh dưỡng, suy tim nặng, buồng tim đã bị giãn to và còn bị lõm ngực bẩm sinh. Nếu mổ theo đường kinh điển, tức là mở xương ức thì sau này chắc chắn lồng ngực của con sẽ bị biến dạng nặng nề hơn. Thứ hai là với tình trạng suy tim nặng và buồng tim giãn lớn nếu chúng ta đặt điện cực vào quả tim thì nguy cơ chảy máu và rung tim trong quá trình can thiệp rất cao. Thứ ba là máy điều khiển nhịp tim khá lớn, bằng gần 3 ngón tay người lớn, nếu rạch da dưới ở bụng để đặt máy vào thành bụng thì có thể gặp biến chứng da không liền được, nếu đặt ở khoang màng phổi bên trái thì có thể gây những rối loạn trước mắt và lâu dài đến phổi trái của em bé.” – Bác sĩ Nguyễn Bá Phong chia sẻ.
Các bác sĩ đã hội chẩn, tính toán một cách kỹ lưỡng và quyết định mổ một đường ở dưới nách bên trái mà không cần cưa xương ức để mở lồng ngực, đặt điện cực vào tim cho bé. Sau đó bóc tách thành bụng mỏng như bản giấy để tạo một ổ chứa vừa đủ máy tạo nhịp. Ca phẫu thuật thành công trong sự vui mừng của các bác sĩ và vợ chồng anh Phương, chị Hương. Hiện nay, sức khỏe của em bé đã hồi phục khá tốt, da dẻ hồng hào hơn, không còn bị tím tái, mỗi cữ bú được khoảng hơn 100ml sữa liền một mạch mà không cần phải nghỉ giữa chừng để thở. Thời gian tới, các bác sĩ sẽ phẫu thuật “vá” thông liên nhĩ sau khi nhịp tim của bé ổn định và sự phục hồi chức năng tim tốt hơn.
Mong có thêm nhiều trái tim bé nhỏ được chữa lành
Không riêng bé Minh Anh, trung bình hàng năm Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E tiếp nhận, phẫu thuật và can thiệp cho khoảng 500 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, trong đó có những trường hợp đa dị tật, vô cùng phức tạp. Theo bác sĩ Nguyễn Bá Phong, các bác sĩ của bệnh viện đã làm chủ nhiều kỹ thuật y học tiên tiến, giúp trả lại những nhịp đập bình thường, khỏe mạnh cho các em bé. Đó là phương pháp mổ Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E không chỉ cập nhật được những kỹ thuật ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ hoặc nội soi toàn bộ bằng hệ thống camera 3D hay vừa mổ vừa can thiệp. Đặc biệt, việc thực hiện đường mổ dưới nách thay thế cho đường mổ kinh điển là mở xương ức có ý nghĩa rất lớn đối với trẻ, đặc biệt là các bé gái bởi khi trưởng thành, trẻ sẽ không bị tự ti và mặc cảm với vết sẹo lớn trên ngực.
Hàng năm, Bệnh viện E cũng phối hợp với chương trình Trái tim cho em tổ chức từ 3 – 4 chuyến đi về các tỉnh, thành để khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho trẻ. Những em bé có hoàn cảnh khó khăn còn được các bác sĩ kêu gọi các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện giúp đỡ chi phí phẫu thuật, ăn ở, đi lại. "Từ trước đến nay, không có trường hợp trẻ bị bệnh tim bẩm sinh nào đến với bệnh viện chúng tôi mà phải đi về, không được chữa trị vì không có tiền chữa bệnh. Nếu phát hiện con mắc bệnh tim bẩm sinh, các bậc cha mẹ hãy đưa con đi điều trị càng sớm càng tốt” – BS Nguyễn Bá Phong nhắn nhủ.
Để ngày càng nhiều hơn nữa trẻ em bị mắc tim bẩm sinh tìm lại được trái tim khoẻ mạnh, bác sĩ Nguyễn Bá Phong mong muốn có thêm nhiều chương trình khám sàng lọc như chương trình Trái tim cho em để các bác sĩ có thể khám, phát hiện sớm và điều trị sớm cho trẻ mắc tim bẩm sinh. Chi phí khám, can thiệp và phẫu thuật cho trẻ bị mắc tim bẩm sinh có thể từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng (tuỳ theo mức độ của căn bệnh tim bẩm sinh). Đối với các gia đình ở nông thôn, miền núi đây là khoản tiền rất lớn, khó có thể kham nổi. Vì thế, các bác sĩ cũng hi vọng sẽ có thêm nhiều quỹ, nhiều tổ chức, nhà hảo tâm quan tâm để có thêm nhiều cơ hội để vá lành nhiều trái tim khiếm khuyết của trẻ mắc tim bẩm sinh hơn nữa.