GS.TS Nguyễn Cảnh Bình – nguyên chủ nhiệm Khoa Điều trị Bệnh ống tiêu hóa – Bệnh viện TW Quân đội 108 cho biết, dạ dày tiết ra Acid clohydric (HCL) và các men tiêu hóa để phân hủy thức ăn thành những chất dễ hấp thu vào cơ thể. Đồng thời, dạ dày còn tiết ra chất nhầy, có tác dụng bảo vệ niêm mạc của chính nó. Bình thường có sự cân bằng giữa hai quá trình này nên dạ dày không bị tổn hại. Nếu quá trình cân bằng này bị phá vỡ thì chúng ta rất dễ bị viêm, loét dạ dày

Các yếu tố viêm gây loét dạ dày bao gồm: Sự tăng tiết quá nhiều Acid clohydric; vi khuẩn Helicobacter pylori (HP); các thuốc kháng viêm không chứa steroid và thuốc kháng sinh liều cao; thói quen lạm dụng rượu và hút thuốc lá. Ngoài ra, căng thẳng tâm lý, stress cũng là yếu tố dẫn đến đau dạ dày.

Sở dĩ bệnh viêm loét dạ dày khó chữa trị dứt điểm và trở thành mạn tính bởi các nguyên nhân như: bệnh nhân bị tái nhiễm vi khuẩn HP; không tuân thủ thuốc và phác đồ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ; thói quen ăn uống, sinh hoạt không khoa học như ăn nhiều chất chua, cay, uống nhiều rượu bia, làm việc căng thẳng, hay bị stress.

Đặ biệt, khi trời lạnh hay khi có sự thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ làm gia tăng lượng histamin trong máu. Đây là một chất hóa học gây kích thích khiến dạ dày bài tiết nhiều axit trong khi làm mỏng đi lớp nhầy bảo vệ ở sát niêm mạc dạ dày. Chính sự mất cân bằng này sẽ gây ra các cơn đau dạ dày, nhất là ở những người có tiền sử bệnh thì nguy cơ trào ngược dạ dày tái phát sẽ rất cao.

Để tránh bị những cơn đau dạ dày hành hạ dai dẳng, PGS-TS Cảnh Bình khuyên người bệnh nên sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ; thực hiện theo một chế độ ăn uống hợp lý, sinh hoạt khoa học hạn chế sử dụng rượu bia hoặc đồ uống có gas, không hút thuốc lá; tập thể dục đều đặn; giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt và ăn uống nhằm tránh tái nhiễm vi khuẩn HP.

“Việc bệnh nhân tuân thủ điều trị quyết định có ý nghĩa rất quan trọng trong việc lành bệnh. Bên cạnh đó, sau một đợt điều trị, bệnh nhân nên tái khám, nhất là với những bệnh nhân có vi khuẩn HP thì cần xét nghiệm lại xem còn vi khuẩn HP hay không?” – BS Nguyễn Cảnh Bình nhấn mạnh.

Đặc biệt vào mùa lạnh, bệnh nhân nên lưu ý giữ ấm cơ thể, tránh ăn thực phẩm nguội lạnh. Hàng năm, bệnh tái phát theo chu kỳ, người bệnh có thể dùng thuốc dự phòng theo chỉ định của bác sĩ. Trong dịp cuối năm, khi công việc dồn dập, đòi hỏi hoàn thành gấp rút trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, mọi người nên chú ý tổ chức, sắp xếp sao cho khoa học, để hạn chế rơi vào trạng thái căng thẳng về tâm lý, tránh bệnh dạ dày tái phát.