Sau khi kết hôn 2 năm, chị Nguyễn Minh Phụng ở Nam Định bắt đầu sốt ruột về việc chưa có con, dù trước đó chị đã dùng rất nhiều loại thuốc bổ tốt cho việc đậu thai. Đi khám tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chị Phụng được chẩn đoán bị đa nang buồng trứng, khiến các nang noãn phát triển bất thường và giảm hoặc không phóng noãn, ảnh hưởng đến quá trình thụ thai.

Sau khi nghe bác sỹ tư vấn, chị Phụng mới biết hóa ra các biểu hiện của bệnh đã xuất hiện từ sau khi chị dậy thì, tuy nhiên thời điểm đó, bản thân chị chưa có nhận thức về bệnh, chỉ nghĩ đơn giản mình thuộc nhóm kinh nguyệt không đều.

“Lúc dậy thì thì kinh nguyệt của mình không đều, thậm chí có đợt 6 tháng đến 1 năm mới có kinh nguyệt, sau này các triệu chứng ngày càng nặng hơn và đến khi đi khám thì mới biết bị buồng trứng đa nang nó gây ra như vậy…”, chị Phụng chia sẻ.

Theo Ths. BS CKII Nguyễn Phạm Tiến Đạt – Phó trưởng Khoa Phụ ngoại A5, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, buồng trứng đa nang là một hiện tượng mất cân bằng hormone sinh dục ở nữ, làm tăng đột biến nồng độ hormone Testosterone và LH trong cơ thể. Hậu quả là quá trình rụng trứng bị cản trở dẫn đến rối loạn. Các nang trứng không đủ yếu tố thuận lợi để có thể phát triển thành trứng trưởng thành, dẫn đến tình trạng trứng không rụng hoặc rụng với tần suất rất thấp. Bên cạnh bất thường về quá trình rụng trứng, buồng trứng cũng hình thành nhiều nang trứng nhỏ. Buồng trứng đa nang là bệnh thường gặp ở đối tượng nữ giới trong độ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng bé gái mắc buồng trứng đa nang ở tuổi dậy thì ngày càng tăng.

"Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nhiều trẻ trong lứa tuổi dậy thì được cha mẹ đưa đến khám do tình trạng kinh nguyệt không đều, ví dụ các cháu có kinh xong 2-3 tháng sau không thấy có nữa thì cha mẹ mới lo lắng đưa đi khám. Và những cháu này có đặc điểm rất điển hình đó là đa số các cháu đều to lớn, hệ thống lông rậm và nhiều mụn trứng cá. Đa số cha mẹ cũng đều bất ngờ khi biết con bị buồng trứng đa nang”- BS Nguyễn Phạm Tiến Đạt phân tích.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng buồng trứng đa nang ở trẻ, trong đó lối sống tĩnh tại, ăn uống không lành mạnh là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này đang ngày một gia tăng trong xã hội hiện đại. Những thực phẩm nhiều chất béo bão hòa, được chế biến bằng cách chiên rán nhiều dầu mỡ… làm tăng nguy cơ béo phì. Lượng mỡ thừa trong máu kích thích sản xuất insulin, làm tăng nguy cơ bé gái bị buồng trứng đa nang.

"Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có tới 50% các bé gái bị đa nang buồng trứng ở tuổi dậy gặp tình trạng thừa cân, béo phì." BS Đạt cho biết

Di truyền cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến buồng trứng đa nang ở trẻ. Nếu trong gia đình có mẹ hoặc chị, em gái mắc bệnh, các bé gái sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Phát hiện sớm trẻ bị mắc buồng trứng đa nang ở tuổi dậy thì là điều không hề đơn giản. Bởi trong giai đoạn dậy thì, cơ thể bé gái trải qua nhiều thay đổi về mặt sinh lý, kéo theo đó là những thay đổi về cả tâm lý. Vậy nên, nhận biết được những dấu hiệu buồng trứng đa nang ở tuổi dậy thì là rất khó khăn. Tuy nhiên, một số dấu hiệu thường thấy của căn bệnh này vẫn có thể được theo dõi nhằm phát hiện bệnh sớm, tránh những hệ lụy về sức khỏe trong tương lai.

-Rối loạn kinh nguyệt: Khi mắc buồng trứng đa nang ở tuổi dậy thì, nồng độ các hormone trong cơ thể bé gái sẽ bị thường xuyên rối loạn. Mất cân bằng hormone làm chu kỳ kinh nguyệt ở những trẻ này gặp bất thường, không được đều đặn, có thể gặp tình trạng mất kinh trong nhiều tháng, máu kinh không bình thường…

-Thừa cân, béo phì: Do rối loạn về hormone trong cơ thể khi mắc đa nang buồng trứng khiến cho quá trình chuyển hóa và hấp thu chất dinh dưỡng bị ảnh hưởng và gây tăng cân nhanh chóng.

-Nổi nhiều mụn, lông mọc rậm: Ở lứa tuổi dậy, đa số các bé gái đều gặp phải những vấn đề về mụn trứng cá ở mặt hay lông trên cơ thể. Tuy nhiên, với những trẻ mắc đa nang buồng trứng, nồng độ hormone androgen cao (do tăng sản xuất quá mức) sẽ tác động xấu đến các tuyến bã nhờn trên khắp cơ thể và khiến mụn mọc tại nhiều nơi và nhiều vị trí khác nhau hơn. Ngoài ra, sự tăng sản xuất androgen còn gây ra tình trạng lông mọc dày khắp ở chân, tay, lưng, bụng…

Theo BS Phạm Nguyễn Tiến Đạt, trẻ em gái bị hội chứng buồng trứng đa nang ở tuổi dậy thì có thể đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Một trong những mối nguy lớn nhất là khả năng sinh sản. Bởi buồng trứng đa nang có thể ức chế quá trình trưởng thành và rụng trứng, dẫn đến nguy cơ khó có con hoặc vô sinh khi bước vào độ tuổi sinh sản. Hiện nay, PCOS được xem là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến vô sinh ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, ảnh hưởng từ 10-15%.

Bên cạnh đó, buồng trứng đa năng cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường type 2, có thể mắc bệnh tim mạch và ung thư nội mạc tử cung.

Việc điều trị buồng trứng đa nang ở trẻ chủ yếu tập trung vào điều trị các triệu chứng nhằm cải thiện các triệu chứng trên da do cường androgen, giảm mức độ nghiêm trọng các hội chứng chuyển hóa. Trong đó điều chỉnh lối sống là biện pháp chính.

"Cha mẹ hãy xây dựng chế độ ăn uống ít calories và sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục thường xuyên ít nhất 30 phút mỗi ngày. Hạn chế đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ hoặc chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp…", BS Tiến Đạt khuyến cáo.

Mời nghe tại đây: