Khi nhắc đến suy dinh dưỡng, chúng ta có thể hiểu đó là người đang bị thiếu chất, cơ thể hấp thu quá ít hàm lượng dinh dưỡng cần thiết. Tình trạng này kéo dài dẫn đến những ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe. Và, thông thường thì mọi người vẫn nghĩ suy dinh dưỡng chỉ xảy ra ở người gầy, thiếu cân, thế nhưng trên thực tế, ngay cả người béo phì cũng bị thiếu chất để duy trì sức khỏe tốt.
Bị gan nhiễm mỡ, thoát vị đĩa đệm, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, đau lưng và các khớp gối… là tình trạng sức khỏe của chị Nguyễn Thùy Hương ở quận Tây Hồ trong suốt 3 năm nay. Mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc những ngày đi làm về muộn, cùng với đó là những bữa ăn không kiểm soát khiến cân nặng của chị tăng lên một cách nhanh chóng.
“Năm 2020, tôi nặng 67kg, cao 1m56. Lúc đó béo cực kỳ khám thì bác sĩ chẩn đoán bị bị gan nhiễm mỡ, thoát vị đĩa đệm. Bác sĩ chỉ nói là do thừa cân quá nhiều, mỡ nội tạng cao nên ảnh hưởng đến cột sống. Nguyên nhân béo phì là do tôi thường do ăn tối nhiều, ăn muộn tầm 9-9h30. Về chị thích ăn phở, ăn nhiều chất béo xấu gây dư cân trong thời gian dài thì béo phì thôi” – chị Hương cho biết.
Sau nhiều lần giảm cân thất bại, chị Hương chuyển sang hướng ăn tăng lượng chất đạm, giảm rau xanh và trái cây. Không chỉ có chị Hương mà hiện nay, nhiều người béo phì đang áp dụng chế độ ăn chỉ có thịt và rau, quả mỗi ngày, thậm chí là cắt bỏ luôn tinh bột, rau quả nếu ăn thì với một lượng rất ít với suy nghĩ là tăng cơ, giảm mỡ.
Nói về cách ăn này, TS.BS Phạm Thúy Hòa – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng ứng dụng, nguyên Giám đốc Trung tâm đào tạo dinh dưỡng và thực phẩm, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, trong thời gian ngắn một số người có thể giảm cân nhanh chóng nhưng về lâu dài sẽ làm rối loạn chức năng của các bộ phận trong cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Chất béo sẽ giúp mọi người hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Nhưng nếu người béo phì kiêng chất béo thì cơ thể sẽ không hấp thu được chất dinh dưỡng, bị loãng xương dẫn đến bệnh xương khớp. Tương tự, tinh bột tạo đường glucose nuôi gan, não và bộ phận còn lại trong cơ thể, nếu không có đường thì cơ không hoạt động được, không duy trì được sức khỏe bền vững. Ngược lại nếu người béo phì ăn quá nhiều đạm lại ăn ít rau, trái cây sẽ làm tất cả các bộ phận trong cơ thể bị rối loạn bởi do khi ăn vào, chất đạm chỉ chuyển sang một bộ phận nhất định. Ăn như vậy, quan sát bên ngoài hình thái có thể thay đổi nhưng có thể làm rối loạn các bộ phận nằm khuất trong cơ thể của các bạn mà sau này cơ thể phải trả giá” – TS.BS Phạm Thúy Hòa nhận định.
Giải thích thêm về việc người béo phì bị thiếu chất, TS.BS Phạm Thúy Hòa cho biết: Người béo phì thường do hấp thu năng lượng quá nhiều so với mức tiêu hao. Năng lượng này thường đến từ thức ăn nhanh, bánh kẹo, nước ngọt, đồ ăn vặt. Đây là những thực phẩm cung cấp chất béo và chất đường bột. Nạp quá nhiều năng lượng nhưng lại thiếu vitamin khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác thì cơ thể cũng không hấp thu được. Nguồn năng lượng dư sẽ được tích trữ lại tạo thành mỡ dưới da, mỡ nội tạng... Nghịch lý là cân nặng thì vẫn tăng mà cơ thể của con thì không thấy khỏe, có nguy cơ cao thiếu vi chất thể ẩn.
“Người béo phì khi ăn nhiều đồ dầu mỡ thì mỡ tích lũy, dắt mỡ ở những đường ống trong cơ thể dẫn vào máu, trong những phủ tạng, gây chèn ép làm chức năng của phủ tạng không hoàn tất được dẫn tới không thể hấp thu vào các chất dinh dưỡng khác” – TS.BS Phạm Thúy Hòa giải thích thêm.
Do vậy, chế độ ăn của người béo phì vẫn nên bảo đảm đầy đủ các nhóm chất và đặc biệt là uống nhiều nước, tập thể dục thể thao phù hợp với sức khỏe.