Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh sỏi tiết niệu, sỏi thận

Thư viện Y học quốc gia Mỹ thống kê khu vực Đông Nam Á bị sỏi tiết niệu cao nhất thế giới, với tỷ lệ từ 5 - 19%. Riêng nước ta ghi nhận có khoảng 2 - 12% dân số bị sỏi tiết niệu, trong đó sỏi thận chiếm 40%. Tỷ lệ này đã xếp Việt Nam vào vị trí các nước thuộc “vành đai sỏi” trên thế giới .

Thạc sĩ - BSCKII Ngô Đậu Quyền – Giảng viên bộ môn Ngoại – Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, sỏi tiết niệu được hình thành khi lượng nước tiểu quá ít hay nồng độ các chất khoáng như canxi, oxalat và axit uric trong nước tiểu tăng cao và lắng đọng lại ở thận, liên kết với nhau, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi.

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây nên bệnh sỏi tiết niệu cho cộng đồng dân cư như là chủng tộc, địa dư, khí hậu… Nước ta nằm ở vùng khí hậu nhiệt đới, thời tiết nóng bức thì cơ thể sẽ tiết ra nhiều mồ hôi, nước tiểu bị cô đặc làm cho các tinh thể muối trong nước tiểu bị bão hòa và dễ bị kết tủa tạo sỏi trong thận, bàng quang.

Bên cạnh đó, những thói quen như không uống đủ nước, chế độ ăn uống không hợp lý, thiếu cân đối, ăn quá nhiều chất đạm, uống quá nhiều sữa, ăn mặn… cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi tiết niệu.

Người làm việc trong môi trường nhiệt độ cao như thợ cơ khí, công nhân xây dựng; người làm việc văn phòng, công nhân trong dây chuyền sản xuất, lái xe đường dài …ngồi lâu, đứng lâu một chỗ cũng dễ mắc bệnh sỏi tiết niệu hơn.

BS Ngô Đậu Quyền cũng cho biết, thói quen nhịn đi tiểu cũng là một nguyên nhân dẫn đến sỏi tiết niệu, sỏi thận. Nhịn tiểu khiến nước tiểu ở quá lâu trong hệ tiết niệu, làm cho các chất tạo sỏi dễ dàng lắng đọng, kết tủa. Hay như thói quen uống rượu bia quá nhiều không chỉ gây hại sức khỏe, đặc biệt hại gan mà còn là nguyên nhân gây ra bệnh sỏi đường tiết niệu.

Bên cạnh các thói quen không tốt trong cuộc sống, một số bệnh lý như dị dạng đường tiết niệu, hẹp niệu quản, hẹp niệu đạo túi thừa niệu đạo… khiến cho nước tiểu không thoát hết được ra ngoài, lâu dần các chất vô cơ lắng cặn lại và tạo ra sỏi. Ngoài ra, một số bệnh lý di truyền hoặc bệnh rối loạn chuyển chuyển hóa can xi, bệnh gout, cường giáp… cũng làm tăng nguy cơ gây ra bệnh sỏi đường tiết niệu.

Thay đổi thói quen, lối sống để hạn chế nguy cơ mắc sỏi đường tiết niệu

Sỏi đường tiết niệu gây ra những triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. “Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh sỏi tiết niệu nói chung cũng như sỏi thận nói riêng thường không điển hình nên rất nhiều người bỏ qua và không thăm khám. Nếu để lâu, sỏi tiết niệu có thể gây ra nhiều biến chứng, chức năng thận sẽ bị giảm sút do tình trạng ứ nước thận, ứ mủ thận, hoại tử nhu mô thận, suy thận. Đối với toàn thân, sỏi gây tăng huyết áp, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn và dễ dẫn đến tử vong.” – BS Ngô Đậu Quyền khuyến cáo.

Để phòng ngừa và hạn chế nguy cơ mắc bệnh sỏi tiết niệu nói chung và sỏi thận nói riêng, bác sĩ Ngô Đậu Quyền hướng dẫn như sau:

- Mỗi người nên chú ý cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể, khoảng từ 1,5 – 2 lít nước/ngày đối với người trưởng thành. Việc uống đủ nước sẽ giúp nước tiểu luôn luôn ở dưới giai đoạn bão hòa tránh nguy cơ hình thành sỏi.

- Nên thực hiện chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, phối hợp hòa các loại thực phẩm, không nên ăn quá nhiều thịt, nhất là các loại thịt đỏ; không nên ăn mặn,

- Không nên ngồi yên, đứng lâu một chỗ, nhất là đối với người làm việc văn phòng, lái xe, người làm trong dây chuyền sản xuất. Nếu có thể thì khoảng 1 tiếng rưỡi đứng lên vận động, thay đổi tư thế một lần. Không nên nín nhịn tiểu tiện.

BS Ngô Đậu Quyền cũng khuyên người có tiền sử gia đình có người mắc bệnh sỏi thận, sỏi tiết niệu hoặc người có cơ địa tạo sỏi, người từng mắc bệnh sỏi đường tiết niệu … thì nên thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần. “ Khi thăm khám, chúng tôi sẽ siêu âm hệ tiết niệu để đánh giá sơ bộ hệ tiết niệu, làm xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu để đánh giá thành phần ở trong nước tiểu, tìm ra các yếu tố nguy cơ và tư vấn kịp thời cho người bệnh tùy theo từng trường hợp.” – BS Quyền nói.