Nỗi lo về đại dịch HIV vẫn còn
Theo ước tính của Chương trình phối hợp Liên Hợp Quốc (UNAIDS), số ca nhiễm mới HIV ở nước ta đã giảm khoảng 60% kể từ năm 2010. UNAIDS đánh giá, mức giảm này không những vượt xa mức giảm trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà còn cao hơn nhiều so với mức giảm 39% của thế giới.
Tại cuộc họp cung cấp thông tin nhân tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và ngày thế giới phòng, chống AIDS mồng 1/12, ông Raman Hailevich, Giám đốc quốc gia UNAIDS tại Việt Nam đánh giá: “Thành tựu trong giảm số ca nhiễm mới đã cho thấy những tác động tích cực của việc đầu tư cho cả dự phòng và điều trị HIV của Việt Nam trong nhiều năm qua”.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực trong dự phòng lây nhiễm HIV, tuy nhiên dịch HIV tại nước ta đang có diễn biến phức tạp với sự thay đổi rõ rệt về hình thái lây nhiễm.
"Riêng trong 9 tháng năm 2024, đã có 11.421 trường hợp phát hiện mới, trong đó có tới hơn 68% người nhiễm tại Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh. Riêng ở nhóm trẻ tuổi, nếu trước đây chủ yếu các ca nhiễm ở nhóm thanh niên, những người có điều kiện kinh tế hiện đã ghi nhận ở nhóm trẻ hơn, thậm chí ở cả những nhóm học sinh, sinh viên; số mắc ở độ tuổi 15-29 tuổi chiếm tới gần 40% tổng số ca nhiễm HIV trong thời gian vừa qua" - thạc sĩ Bùi Hoàng Đức, Phó Trưởng Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết.
Gần 70% trường hợp nhiễm mới HIV tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam và gần 40% ở độ tuổi 15-29, đây là những con số cho thấy nỗi lo về đại dịch HIV vẫn còn đó.
Để thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, những năm qua nước ta đã triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ đa dạng và linh hoạt. Ngoài các cơ sở điều trị HIV/AIDS công lập và tư nhân đã có các mô hình cung cấp dịch vụ lưu động giúp các nhóm nguy cơ cao dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng ngừa và điều trị HIV. Trong đó việc cung cấp thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm – gọi tắt là Prep có thể phòng lây nhiễm HIV lên đến trên 90% ở những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.
Việt Nam đã có kế hoạch dùng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm - PrEP dạng tiêm
Hiện nước ta mới dừng lại ở việc sử dụng PrEP dạng uống, một số nước trên thế giới đã triển khai các thuốc dạng tiêm có tác dụng kéo dài để dự phòng HIV. Theo thông tin từ Ths.BS Hoàng Nam Thái, Phó trưởng nhóm Chương trình dịch vụ Lao/HIV, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam, Việt Nam đã có kế hoạch triển khai loại hình điều trị này sớm. Nếu được phê duyệt, Việt Nam có thể là nước đầu tiên trong khu vực triển khai loại hình điều trị mới này.
Để cung cấp thêm thông tin về thuốc Prep dạng tiêm, PV VOV2 đã phỏng vấn BS. Todd Pollack, PGS Y khoa tại Trường Y Harvard, BS chuyên khoa bệnh truyền nhiễm, Trưởng đại diện của tổ chức BIDMC/Đại học Y Harvard tại Việt Nam. Ông đã dẫn dắt các dự án hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam trong gần 15 năm qua, tập trung vào việc cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc chất lượng và công bằng cho người sống chung với HIV và viêm gan vi-rút.
Nghe cuộc phỏng vấn BS. Todd Pollack tại đây: