Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi TƯ đã ghép thận thành công, hồi sinh sự sống cho một bé gái 7 tuổi ở tỉnh Yên Bái từ quả thận của bà nội hiến tặng.
Theo chia sẻ của bà nội bé, bé Linh phát hiện suy thận mạn hồi tháng 7 năm 2023. Sau một thời gian lọc máu màng bụng, Linh mắc thêm bệnh suy tim, viêm tụy và xuất huyết tiêu hóa. 2 lần những tưởng bé ra đi mãi mãi khiến gia đình Linh gần như rơi vào tuyệt vọng cho đến khi được các bác sĩ khoa Thận và lọc máu, BV Nhi TƯ tư vấn ghép thận. Bà nội của Linh quyết định hiến tặng quả thận cho cháu gái.
“Trường hợp cháu Linh so với các cháu đã ghép thận trước đó thì tình trạng suy tim trầm trọng nhất, vào điều trị cháu ngừng tim 2 lần rồi nên gia đình nghĩ cơ hội mong manh. Mẹ của cháu vừa sinh em bé 2 tháng, lại bị bệnh mà xét nghiệm kết quả 2 bà cháu tương thích nên quyết định hiến thận cứu cháu”.
TS.BS Nguyễn Thu Hương – Trưởng khoa Thận và lọc máu, BV Nhi TƯ cho biết, đối với trường hợp của Linh, ngay sau khi được gia đình đồng ý, bà nội hiến thận, các bác sĩ của khoa tim mạch, phẫu thuật ngoại và hồi sức tích cực của BV Nhi TW đã khẩn trương tiến hành các xét nghiệm sàng lọc trước ghép sau đó thông qua Hội đồng ghép tạng phối hợp lập tức ghép thận cho bé.
“Trước khi tiến hành ghép thận, chúng tôi đã thông qua một hội đồng ghép tạng, trong đó có nhiều chuyên khoa do TS.BS Cao Việt Tùng – Phó GĐ Bệnh viện chủ trì. Mặc dù ghép thận đã thành thường quy ở BV Nhi TW nhưng chúng tôi nhận định đây là trường hợp rất khó bởi vì chức năng tim của trẻ rất thấp, chỉ còn độ 22% so với bình thường nhưng với quyết tâm cứu sống cháu thì các cán bộ của ca ghép thận vẫn quyết tâm làm cho cháu và phải đưa ra phác đồ riêng, theo dõi chặt chẽ trong quá trình trước, trong và sau ghép, không thể theo quy trình thường quy được và phải cá thể hóa trong trường hợp này” – TS.BS Nguyễn Thu Hương cho biết.
Sau 5 giờ đồng hồ căng thẳng, ca phẫu thuật diễn ra thành công, thận ngay sau khi được ghép vào cơ thể bé Linh đã hồng hào, tưới máu tốt và bắt đầu có nước tiểu. Tuy nhiên, việc theo dõi sức khỏe của Linh sau ghép vẫn có ý nghĩa quan trọng.
“Sau ghép, cháu được ra phòng mổ để chăm sóc ở khoa hồi sức ngoại. Đặc biệt, những trường hợp sau ghép thận sẽ được đo điều chỉnh cân bằng nước và điện giải rất sát sao, làm sao để vẫn đủ dịch cho quả thận hoạt động tốt nhưng đồng thời không để quả tim bị quá tải dịch”.
Sau ghép thận 2 tuần, sức khỏe của Linh hồi phục tốt, chức năng thận được trở về bình thường, chức năng tim được cải thiện, bé được xuất viện trong niềm vui vỡ òa của cả nhà.
“Cháu suy tim trầm trọng nhất là ngày 18/5 còn 14kg, suy sụp nhất nhưng khi ghép xong thì hiện nay lên 19kg rồi. Mọi sinh hoạt của cháu trở lại bình thường. chức năng tim, huyết áp ổn định nhiều, gia đình cảm ơn các bác sĩ ở BV Nhi TƯ đã tận tình chăm sóc, điều trị cho cháu” – Bà nội của Linh vui mừng cho biết.
Bé Linh được cứu sống đã đánh dấu thêm thành công của các bác sĩ BV Nhi TƯ về thành tựu ghép thận không thua kém với các nước phát triển trên thế giới.
“Các bác sĩ ngoại khoa đã làm chủ được kỹ thuật ghép thận từ khâu lấy thận cũng như ghép thận nên ghép thận hiện nay đã là một trong những kỹ thuật thường quy ở bệnh viện. Về vấn đề kỹ thuật, chúng tôi không gặp khó khăn. Chúng tôi tự tin rằng tất cả những ca ghép khó ở BV Nhi TƯ, chúng tôi vẫn có thể làm chủ được. Ca có cân nặng thấp nhất theo quy định trên thế giới là 12kg, cũng là ca có cân nặng thấp nhấp ở Việt Nam hiện nay thì cũng tôi đã ghép và có thể làm được, kỹ thuật của chúng tôi đã ngang tầm thế giới” - TS. BS Nguyễn Thu Hương nhận định.
Bệnh viện Nhi TƯ bắt đầu triển khai ghép thận từ năm 2004. Từ đó đến nay, Bệnh viện đã ghép thành công được 65 ca. Cuộc sống sau ghép thận của các cháu đều thay đổi, được đi học bình thường như bao trẻ khác.
“Nếu cháu suy thận giai đoạn cuối thì một tuần đến bệnh viện 3 lần, hằng ngày các cô điều dưỡng chọc kim vào mạch máu thì các cháu đau đớn, không đi học được, bố mẹ còn phải nghỉ đưa con đi chạy thận. Nhưng nếu có thể thay thận thì trẻ có thể đi học bình thường, hằng ngày cháu chỉ phải uống thuốc thôi, hằng tháng đến bệnh viện tái khám”.
Theo TS.BS Nguyễn Thu Hương, đối với bệnh nhân ghép thận, khó khăn lớn nhất hiện nay là người hiến thận, chủ yếu từ người thân, gia đình cho. Nhưng đôi khi bố mẹ lại không cùng nhóm máu, mắc một số bệnh mạn tính, sức khỏe không đảm bảo nên lại không thể hiến được. Nếu khắc phục được về nguồn hiến tạng thì sẽ còn thêm hàng trăm cháu bé như bé Linh được cứu sống và trở lại với cuộc sống thường ngày.