Dự án được thực hiện với sự hỗ trợ của Chính phủ Canada trong khuôn khổ các hoạt động thúc đẩy giao thương nông lâm thủy sản giữa hai nước.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Hoàng Thái Ninh - Giám đốc Dự án cho biết: Mục tiêu của Dự án là hỗ trợ Hà Nội xây dựng và phát triển một số chuỗi giá trị nông lâm thủy sản bền vững, bảo đảm an toàn thực phẩm từ khâu giống, sản xuất đến tay người tiêu dùng; nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh thành phố giai đoạn 2022-2025.

Sở dĩ chọn Hà Nội vì hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Thủ đô mới đáp ứng được 30-65% nhu cầu của hơn 10 triệu dân đang sinh sống, làm việc trên địa bàn. Lượng hàng hóa còn thiếu được bù đắp từ việc kết nối, giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố khác và nhập khẩu từ nước ngoài.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, trước hết sẽ xây dựng thí điểm 7-8 mô hình chuỗi giá trị nông lâm thủy sản toàn diện về hạ tầng, trang thiết bị, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, mẫu mã, bao bì, thị trường tiêu thụ... làm mô hình điểm, sau đó sẽ nhân rộng ra toàn thành phố.

"Hiện tại, việc sản xuất nông lâm thủy sản của nước ta đang đối mặt với sử dụng quá mức vật tư đầu vào, khai thác nguồn tài nguyên quá mức nên mục đích của dự án là hướng đến xây dựng nền nông nghiệp trách nhiệm và sinh thái, phát triển bền vững. Các mô hình điểm đó phải duy trì, nhân rộng và khả thi sau khi dự án kết thúc. Dự án sẽ tạo ra lợi nhuận cho người sản xuất, khi có lợi nhuận thì họ sẽ duy trì việc thực hiện mô hình. Đó là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của dự án này" - ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, Phó Ban chỉ đạo Dự án nhấn mạnh.

Trong suốt quá trình thực hiện dự án luôn luôn có cơ quan giám sát, có khiển trách, có rút kinh nghiệm thực hiện. Vì vậy, người dân kỳ vọng về tín hiệu vui trong việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị an toàn thực phẩm bền vững - vấn đề đang được xã hội quan tâm.