Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận và điều trị cho 2 bệnh nhân bị kháng kháng sinh với bệnh cảnh khá nặng nề. Trường hợp thứ nhất được chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi cộng đồng trên nền tăng huyết áp. Trước đó, người bệnh bị ho sốt, khó thở và đã tự mua thuốc uống 2 tuần nhưng không khỏi, tình trạng ngày càng xấu đi. Kết quả kháng sinh đồ cho thấy bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn cộng đồng (Klebshiealla pneumoniea) đa kháng kháng sinh. Bác sĩ Nguyễn Tiến Thắng –Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết, cũng may bệnh nhân vẫn còn nhạy với vài loại và được cho sử dụng kháng sinh điều trị vi khuẩn đa kháng thuốc. Sau hai tuần, sức khỏe bệnh nhân ổn định và đã được ra viện.
Trường hợp thứ 2 là một bệnh nhân bị viêm màng não, đã điều trị tại bệnh viện tuyến trung ương. Bệnh nhân vào khoa trong tình trạng hôn mê, sốt liên tục, đờm đục. Qua làm kháng sinh đồ, các bác sĩ tìm ra bệnh nhân nhiễm vi khuẩn bệnh viện (Acinetobacter bauumanii), kháng tất cả các loại kháng sinh. Các bác sĩ đã phải phối hợp nhiều loại kháng sinh và tăng liều để điều trị cho người bệnh. Thời gian nằm việc của bệnh nhân này kéo dài đến 4 tuần.
Cũng theo BS Nguyễn Tiến Thắng, việc điều trị cho các bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kháng thuốc vừa khó khăn vừa tốn kém. Có những trường hợp chỉ riêng tiền kháng sinh đã vài triệu đồng một ngày và nguy cơ tử vong ở nhóm bệnh nhân này cũng cao hơn so với các bệnh nhân khác.
PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương – nguyên trưởng Bộ môn Dược lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội cho biết, kháng kháng sinh đang là vấn đề sức khỏe toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam một trong những quốc gia có tỷ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh ở mức độ cao trên thế giới. Hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng nhiều nhóm kháng sinh. Những trường hợp bệnh nhân nguy kịch đến tính mạng do nhiễm vi khuẩn kháng thuốc đã không còn là trường hợp hiếm gặp. Tại các khoa hồi sức tích cực, vấn đề này còn nan giải hơn, do nơi đây tập trung những bệnh nhân nặng nhất, qua nhiều khoa điều trị.
Cũng theo PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương, năm 2013 Việt Nam là một trong sáu nước đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc với các mục tiêu cụ thể như:
-Nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế về kháng thuốc;
Theo một số nghiên cứu tại Việt Nam, tỉ lệ Ecoli (vi khuẩn đường ruột) kháng kháng sinh lên tới trên 74%; tỉ lệ kháng của vi khuẩn gây nhiễm trùng K.pneumoniae lên tới gần 60%; vi khuẩn A.baumannii (gây nhiễm khuẩn bệnh viện) có tỉ lệ kháng với hầu hết các loại kháng sinh ở mức trên 90%… Với nhóm kháng sinh carbapenem, nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay cũng có tỉ lệ vi khuẩn kháng thuốc lên tới 50%, đặc biệt là các vi khuẩn gram âm mang gen kháng thuốc như Beta lactamase.
- Tăng cường hoàn thiện hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc;
- Đảm bảo cung ứng đầy đủ các thuốc có chất lượng;
- Tăng cường sử dụng thuốc an toàn hợp lý;
-Tăng cường cả công tác kiểm soát nhiễm khuẩn;
- Tăng cường sử dụng kháng sinh hợp lý an toàn trong cả trồng trọt, chăn nuôi gia cầm gia súc thủy sản.
Từ góc độ của người làm công tác lâm sàng dược, PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá, cho đến thời điểm này, nước ta đã có những thành công ban đầu trong việc hướng tới sáu mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc nêu trên. Đó là thường xuyên tổ chức phát “Tuần lễ truyền thông phòng chống kháng thuốc” vào tháng 11 hàng năm và cơ bản nâng cao được ý thức về sử dụng kháng sinh cho nhân viên y tế và cho cộng đồng. Đồng thời cơ bản đảm bảo cung ứng được các loại thuốc kháng sinh có chất lượng; xây dựng được mạng lưới quốc gia để giám sát việc sử dụng thuốc và tình trạng vi khuẩn kháng thuốc. Cùng với đó là ban hành rất nhiều quy định, quy chế và các hướng dẫn chuyên môn để tăng cường sử dụng kháng sinh hợp lý. Ngành y tế cũng đã khởi động dự án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn.
“Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu ban đầu đã đạt được vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại. Tại cộng đồng chúng ta chưa thực sự quản lý được việc bán thuốc theo đơn dẫn đến tình trạng bệnh nhân vẫn tự ý đi mua thuốc và nhà thuốc vẫn tự ý bán kháng sinh mà không cần đơn. Trong bệnh viện, hệ thống vi sinh lâm sàng chưa phát triển chưa đồng bộ, chưa giúp nhận định được chính xác căn nguyên vi khuẩn gây bệnh làm cơ sở lựa chọn kháng sinh hợp lý. Vì vậy cần có những giải pháp giúp tăng cường kiểm soát chất lượng kê đơn thuốc tránh lạm dụng và kê đơn kháng sinh không hợp lý.” - PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương nhận định.
Cũng theo PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương, thách thức đặt ra trong việc phòng chống kháng thuốc ở Việt Nam hiện nay là làm sao thay đổi được thái độ và hành vi trong sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, điều này lại liên quan đến rất nhiều người thuộc rất nhiều các nhóm chuyên môn, chuyên ngành khác nhau. Chẳng hạn như ý thức kê đơn có trách nhiệm của bác sĩ; ý thức của dược sĩ, người bán khi tuân thủ quy định chỉ bán kháng sinh theo đơn; ý thức của người dân trong việc không tự ý sử dụng kháng sinh để chữa bệnh cho người hoặc trong chăn nuôi…
“Hậu quả của việc lạm dụng kháng sinh thực ra không xảy ra ngay tức thì, trong khi tâm lý dùng thuốc bao vây cho yên tâm đã hằn sâu trong ý thức của một bộ phận không nhỏ cán bộ y tế và người dân. Vì vậy, cộng đồng cũng chưa ý thức được hậu quả của việc sử dụng kháng sinh quá mức. Do đó, cần thiết kế hệ thống khám chữa bệnh ban đầu thật thuận tiện để người dân có thể thay đổi hành vi là khi có bệnh thì đi khám trước, được bác sĩ kê đơn rồi mới mua thuốc. Song song với đó thì tôi cũng đánh giá rằng các chế tài hiện nay cũng không đủ mạnh để có thể giúp ngăn ngừa các hành vi dùng thuốc kháng sinh bất hợp lý. Bên cạnh đó, còn khá nhiều thách thức khác liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực và đặc biệt là tình trạng quá tải y tế đòi hỏi các biện pháp phòng chống kháng thuốc cũng phải được triển khai đồng bộ hơn nữa.” PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương phân tích.
Xu hướng gia tăng sử dụng kháng sinh trong dịch Covid-19
Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã đặt ra một thách thức lớn đối với các hoạt động phòng chống kháng thuốc. Tổ chức Y tế thế giới đã lên tiếng cảnh báo xu hướng lạm dụng kháng sinh trong đại dịch Covid-19. Thực tế ở nước ta thời gian qua, kháng sinh được nhiều người mua để dự trữ và tự sử dụng. Trong quá trình hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh, bác sĩ Đỗ Thành Nam – Bệnh viện quân y 103 nhận thấy, khá nhiều gia đình đã trữ sẵn các loại thuốc trong đó có kháng sinh. “Khi bệnh nhân đưa thuốc kháng sinh ra và hỏi có sử dụng được không, chúng tôi đã phải giải thích kháng sinh không dùng để điều trị Covid-19. Chỉ khi nào người bệnh bị bội nhiễm vi khuẩn mới cần dùng và phải có sự hướng dẫn của bác sĩ”. – BS Đỗ Thành Nam cho biết.
PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương cũng nhấn mạnh, Covid-19 là bệnh do virus gây ra, vì vậy kháng sinh không có tác dụng điều trị bệnh này. Chỉ khi nào người bệnh bị đồng nhiễm hoặc bội nhiễm vi khuẩn mới cần dùng đến kháng sinh. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, tỉ lệ đồng nhiễm vi khuẩn ở bệnh nhân Covid-19 khá thấp, đặc biệt là những trường hợp mắc bệnh nhẹ. Nếu như bệnh nhân tự ý dùng thuốc kháng sinh thì không những gây tốn kém về kinh tế mà còn dễ gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Tai hại hơn nữa, việc lạm dụng kháng sinh tiếp tục huấn luyện cho vi khuẩn tăng khả năng đề kháng đối với thuốc, khiến cho việc điều trị bệnh tật ngày càng phức tạp, khó khăn hơn.
Về xu hướng gia tăng sử dụng kháng sinh trong đại dịch tại bệnh viện, PGS-TS Liên Hương cho biết, hiện Việt Nam chưa có các kết quả nghiên cứu lớn trên toàn hệ thống nhưng các báo cáo tại một số cơ sở điều trị cho thấy tỷ lệ bệnh nhân được kê đơn kháng sinh khá cao. Việc kê đơn mang tính chất điều trị bao vây, dự phòng chứ không phải khi xác định bệnh nhân có đồng nhiễm vi khuẩn. Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng, Covid-19 là bệnh lý rất mới, nước ta cũng như thế giới chưa có nhiều kinh nghiệm để đối phó với căn bệnh này. Trong bối cảnh các bệnh viện quá tải, bác sĩ không có nhiều thời gian để cân nhắc việc sử dụng kháng sinh cho bệnh nhân một cách hợp lý nhất. Cùng với đó tâm lý là muốn dùng thuốc bao vây để phòng và giải quyết sớm cho những trường hợp bệnh nhân bị bội nhiễm hay đồng nhiễm vi khuẩn.
“Tuy nhiên cũng phải nhấn mạnh rằng cùng với thời gian thì các hướng dẫn điều trị bệnh nhân Covid-19 đã dần được hoàn thiện. Đến nay, Bộ Y tế đã xây dựng, cập nhật đến phiên bản thứ 7 trong đó có nội dung hướng dẫn sử dụng kháng sinh trên bệnh nhân Covid-19. Càng những phiên bản mới thì phần hướng dẫn sử dụng kháng sinh càng chi tiết. Bên cạnh đó, các lớp đào tạo liên tục cũng như các hội thảo khoa học của cán bộ y tế chia sẻ kinh nghiệm điều trị cũng nhấn mạnh vào việc là dùng kháng sinh trên bệnh nhân Covid-19 như thế nào. Hi vọng đó sẽ là những tiền về có thể cải thiện được tình trạng dùng kháng sinh không hợp lý cho bệnh nhân” - PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương nói, đồng thời bà cũng đề xuất thời gian tới nước ta vẫn cần tiến hành các giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc một cách mạnh mẽ hơn nữa để làm chậm lại tiến trình vi khuẩn kháng thuốc, kiểm soát việc mua bán, kê đơn và sử dụng kháng sinh; tuyên truyền để mỗi người dân nhận thức sâu sắc hiểm họa của tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh, không tự ý sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh.
Sử dụng kháng sinh an toàn, hợp lý
Về phía cộng đồng, PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương khuyến cáo, để kháng sinh phát huy tác dụng thì cần tuân thủ hai nguyên tắc quan trọng là dùng đúng và đủ:
-Dùng đúng tức là đúng bệnh và đúng thuốc. Chúng ta chỉ dùng kháng sinh có khi bị nhiễm khuẩn thực sự, không dùng để điều trị các bệnh khác như là nhiễm virus hay nhiễm nấm hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị. Bên cạnh đó hiện nay có rất nhiều loại vi khuẩn gây bệnh và kháng sinh cũng có rất là nhiều loại thuốc khác nhau. Chưa kể, vẫn là vi khuẩn đó nhưng mức độ kháng thuốc khác nhau thì cũng đòi hỏi lựa chọn kháng sinh phải khác biệt. Ngoài ra việc lựa chọn kháng sinh còn phải cân nhắc trên rất nhiều khía cạnh khác liên quan đến bệnh lý và đặc điểm bệnh nhân. Ví dụ: kháng sinh sử dụng cho trẻ em khác với phụ nữ có thai hoặc cho con bú hay người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền...
- Dùng đủ tức là đủ liều và đủ thời gian. Nếu dùng kháng sinh không đủ liều và không đủ thời gian thì không giải quyết được triệt để vi khuẩn gây bệnh. Vi khuẩn lúc này có thể mới bị suy yếu, nhưng với cơ chế tự bảo vệ chúng sẽ “rút kinh nghiệm” chống kháng sinh và sẽ tồn tại mạnh mẽ hơn và dẫn tới kháng thuốc.
Do đó, khi có bệnh người dân cần đi khám để biết được nguyên nhân gây bệnh và được hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý. Mỗi người hãy coi kháng sinh như “của để dành”, chỉ sử dụng khi thật cần thiết và dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc người có chuyên môn để góp phần chống lại tình trạng kháng kháng sinh đang diễn ra trên toàn cầu.