Dance Sport Khiếm thị - Từ căn gác cũ ra sân khấu lớn

Đều đặn vào mỗi sáng thứ 4 và thứ 6 hằng tuần, trên gác 2 của căn nhà cũ nằm ở quận Đống Đa, Hà Nội, lại rộn ràng vang lên những giai điệu Latin đầy lôi cuốn của lớp học Khiêu vũ thể thao. Đứng lớp là HLV Dance Sport Tô Văn Hòa, còn hơn 20 học viên đều là những người khiếm thị.

“Thầy Hòa là một người cực kỳ nhiệt tình. Dạy cho người khiếm thị không phải đơn giản, không phải đơn giản là mình chỉ cần làm mẫu là biết được. Gần như phải đặt từng bước chân của mỗi người, sau đó phải đặt tay người khiếm thị vào cơ thể của thầy, từ việc lắc hông ra sao, bước chân như thế nào thì thầy cũng phải cầm chân các học viên đặc biệt này. Tất cả các việc làm đấy thì thầy đều không quản ngại. Và dạy cho người khiếm thị phải nói nhiều hơn, hôm nào thầy dạy 1 tiếng rưỡi thì gần như là thầy khản tiếng” - học viên Chu Thị Thu Hà, 45 tuổi, chia sẻ.

Thầy Hòa, như cách gọi của các học viên khiếm thị nơi đây, sinh năm 1984, đã có hơn 10 năm kinh nghiệm thi đấu trong nước và quốc tế. Năm 2018, thầy Hòa đồng ý dạy khiêu vũ cho các thành viên trong Câu lạc bộ khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội sau lời mời của Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, gọi tắt là Trung tâm REACH. Khi dự án của REACH kết thúc, lớp học hết kinh phí duy trì, thầy Hòa vẫn nhiệt tình đứng lớp và không thu học phí.

Ba năm trôi qua, thầy Hòa cảm nhận được mỗi học viên đều mơ ước được trình diễn trên sân khấu lớn. Và ước mơ đó đã thành hiện thực vào ngày 04/04/2021, tất cả các học viên được cháy hết mình với đam mê trong cuộc thi "Bước nhảy xóa mọi khoảng cách" – cuộc thi Dance Sport đầu tiên dành riêng cho người khiếm thị trên thế giới, ngay trên sân khấu của Học viện Múa Việt Nam.

“Thầy Tô Văn Hòa là người tâm huyết với người khiếm thị và thầy Hòa không quản thời gian, đòi hỏi sự kiên trì rất là lớn, vừa mất thời gian vừa mất công sức. Hoạt động đào tạo, tổ chức cuộc thi là thầy Hòa giúp đỡ hoàn toàn. Kinh phí để tổ chức cho một buổi như này xấp xỉ 300 triệu đồng.” - Ông Lê Trung Quyết, Chủ tịch Hội người mù thành phố Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết.

Sinh viên khiếm thị với Dance Sport – Trải nghiệm khó quên, gắn bó lâu bền

Dương Lan Anh, nữ sinh khiếm thị 20 tuổi, là một trong gần 50 thí sinh tham gia Cuộc thi "Bước nhảy xoá mọi khoảng cách", diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 4 vừa qua. Sải bước trên sàn diễn Học viện múa Việt Nam, chính là một cơ hội để Lan Anh bước ra khỏi những phòng tập nhỏ bé, để tràn đầy tự tin và khao khát thể hiện bản thân khi đứng dưới ánh đèn sân khấu. Lúc âm nhạc nổi lên, cũng là lúc cô nữ sinh duyên dáng này thăng hoa cùng điệu nhảy Bachata.

“Em đã thi hai nội dung, đấy là thi Bachata đôi và Bachata đồng diễn, đến giờ vẫn không thể tin được khi mà em giành HCĐ đôi và HCV đồng diễn. Thực sự em rất yêu thích khiêu vũ, từ khi em còn nhỏ và như tất cả mọi người đã thấy là bầu không khí cực kỳ nhiệt, mọi người cháy hết mình, những người bạn của em, cả những cô chú lớn tuổi nữa, đều nhảy rất là hăng hái. Thực sự thầy Hòa là một người rất là tâm huyết, nhiệt tình đối với chúng em. Ngay từ những buổi đầu tiên là thầy đã hướng dẫn cho em từ động tác tay thế nào, chân thế nào, hông đánh ra sao. Em càng được tiếp thêm nghị lực để tiếp tục trên con đường tập luyện và theo đuổi môn Dance Sport” - Dương Lan Anh bày tỏ.

Cũng đạt giải ở tiết mục Bachata, nam sinh Nguyễn Xuân Trung đạt giải ba song trải nghiệm tuyệt vời mà chàng trai này có được thì khó mà đong đếm được.

“Lúc đầu em tập để vui thôi, nhưng được thầy Hòa giới thiệu là có một cuộc thi khiêu vũ dành cho người khiếm thị, lần đầu tiên được tổ chức. Em hào hứng và cố gắng đi thi xem có đạt được điều gì đó không. Em mới học từ cuối năm ngoái thôi, cùng các bạn sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Nhảy cùng các bạn rất vui và đó cũng là nguồn động lực trong cuộc sống. Lớp chúng em có kế hoạch lâu dài và chắc chắn em sẽ tham gia kế hoạch của lớp” - Nguyễn Xuân Trung bày tỏ.

Trọng tài Dance Sport quốc gia Phan Văn Chức, thành viên ban giám khảo cuộc thi Bước nhảy xóa mọi khoảng cách, nhận xét rằng khiêu vũ thể thao có 10 vũ điệu thì các bạn khiếm thị thể hiện đủ 10 điệu, đó là dấu ấn tuyệt vời từ HLV, cũng là thành công quá lớn của các VĐV và họ đã thực sự vượt qua chính mình.