ASEAN Para Games 11 được đánh giá là kỳ đại hội thành công nhất với thể thao người khuyết tật (NKT) Việt Nam khi giành vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng chung cuộc kể từ khi đăng cai tổ chức ASEAN Para Games 2003 tại Hà Nội. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các VĐV NKT đã gặp rất nhiều khó khăn trong cả công tác tập luyện lẫn thi đấu. Thậm chí, nhiều VĐV không được thi đấu quốc tế trong thời gian dài. Dù vậy, vượt lên tất cả nghịch cảnh, các VĐV Việt Nam đã có màn thể hiện vô cùng ấn tượng và giành được tổng cộng 65 HCV, 62 HCB, 56 HCĐ, phá 16 kỷ lục.

Góp phần vào thành tích chung của đoàn thể thao NKT Việt Nam là ba bộ môn chủ lực gồm bơi, cử tạ và điền kinh. Tại kỳ Para Games lần này, đội tuyển bơi NKT Việt Nam đã giành tới 27 HCV. Thành tích các VĐV bơi NKT giành được cao hơn gấp 2 lần chỉ tiêu đã đặt ra. Trong khi đó, tuyển điền kinh giành 15 HCV, còn tuyển cử tạ giành 10 HCV. Bên cạnh ba môn chủ lực trên, cờ vua NKT Việt Nam cũng “thắng lớn” với 13 HCV, gấp hơn 4 lần chỉ tiêu đề ra. “Em đạt 2 HCV, 1 HCB tại kỳ đại hội này thì em cảm thấy rất vui. Khi quốc ca Việt Nam được vang lên và quốc kì của mình được kéo lên vị trí cao nhất trên đấu trường lớn thì mình cảm thấy rất vinh dự, tự hào và đầy cảm xúc”, VĐV Trần Văn Nguyên chia sẻ.

Phải khẳng định, các VĐV thể thao NKT Việt Nam đã thi đấu thành công ở đại hội lần này. Thành công ấy không chỉ đơn thuần là thành tích, huy chương, mà còn là hành trình họ đã và đang trải qua, là cách họ vượt lên số phận. Đằng sau mỗi tấm huy chương là một câu chuyện đầy nhân văn, là những tấm gương nghị lực đã chiến thắng bản thân để kết nối, hòa nhập với cộng đồng và gieo thêm niềm tin vào cuộc sống. Để trở thành nhà vô địch ASEAN Para Games, lực sĩ Nguyễn Bình An tuy chỉ nặng 53kg nhưng mỗi ngày phải nâng tổng cộng gần 6 tấn tạ. Nếu không có đam mê và ý chí kiên định, không ai có thể làm được điều đó. Bình An từng chia sẻ: “Nhất quyết là tập đến chừng nào cảm thấy không thể lên thành tích hay bác sĩ nói mình không có khả năng hồi phục nữa thì mình mới từ bỏ. Còn nếu mà còn cơ hội nào thì mình sẽ đeo đuổi cơ hội đó đến cùng. Giống như một cái đam mê. Đam mê thể thao và quyết tâm. Việc gì mình đã không làm thì thôi, còn đã làm thì quyết tâm làm cho bằng được”.

“Quyết tâm làm bằng được” cũng là suy nghĩ của kình ngư Võ Huỳnh Anh Khoa khi tham dự đấu trường khu vực. VĐV sinh năm 1991 đã lập hat-trick Vàng ở 3 nội dung 400m tự do, 100m ngửa và 50m bướm, phá 1 kỷ lục đại hội. “Thực sự khi phá kỷ lục nội dung 50m bướm em cảm thấy rất vui nhưng cũng không quá bất ngờ bởi trong quá trình luyện tập em đã đạt được thành tích đó. Tham dự giải này em đã cố gắng hết sức để lặp lại những gì mình đã tập luyện”. Võ Huỳnh Anh Khoa cho biết.

Võ Huỳnh Anh Khoa là một trong số các VĐV giành nhiều HCV nhất tại Para Games 2022 nhưng ít ai biết kình ngư này từng mắc căn bệnh ung thư cột sống từ khi mới 6 tuổi. Vượt qua bệnh tật với di chứng là đôi chân bị liệt, Anh Khoa đã không ngừng cố gắng để chiến thắng số phận kém may mắn của mình. Đó là một câu chuyện phi thường.

Hay câu chuyện về đôi vợ chồng VĐV điền kinh Cao Ngọc Hùng và Nguyễn Thị Hải đeo đuổi sự nghiệp và quyết chí đạt thành tích không chỉ vì đam mê mà còn để mưu sinh, lo toan cho cuộc sống. Cả gia đình với 2 con nhỏ của họ trông chờ hết vào số tiền thưởng từ những tấm huy chương. Đây cũng là động lực để bản thân VĐV Nguyễn Thị Hải nỗ lực giành cả 3 HCV tại đại hội. “Cảm xúc rất vui sướng khi tham dự ASEAN Para Games bởi vì được khơi lại những chiến thắng mình từng đạt được. Thực sự VĐV được huy chương thì sẽ được tiền để lo toan cho gia đình. Được tham dự giải đấu như thế này mình cảm thấy vui và hào hứng”.

Bất kể là động lực nào, việc các VĐV thể thao người khuyết tật Việt Nam thành công vượt bậc ở kỳ đại hội đầy khó khăn vừa qua đã cho thấy sức mạnh nội tại và khao khát vươn lên, khao khát được sống một cuộc đời ý nghĩa và đẹp đẽ. Cũng từ “bàn đạp” ASEAN Para Games 2022, thể thao người khuyết tật Việt Nam tự tin hướng đến đại hội thể thao người khuyết tật châu Á và xa hơn là thế vận hội tại Paris năm 2024.